Triển vọng trồng cây Sa nhân tại xã biên giới Xín Mần

Phát triển cây Sa nhân tím không chỉ đem lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn đóng vai trò tích cực trong việc góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên rừng, là hướng phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện sẵn có của xã vùng sâu biên giới Nàn Xỉn (Xín Mần).

Cán bộ xã Nàn Xỉn kiểm tra mô hình trồng cây Sa nhân.

Cán bộ xã Nàn Xỉn kiểm tra mô hình trồng cây Sa nhân.

Chỉ sau 2 năm trồng thử nghiệm dưới tán rừng tái sinh tại xã Nàn Xỉn, những cây Sa nhân tím đã bắt đầu ra hoa và cho quả; khoảng gần tháng nữa, những quả Sa nhân tím này sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Đây là loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Gia đình chị Cử Thị Giàng, thôn Péo Suối Ngài, xã Nàn Xỉn không dấu được niềm vui, khi hơn 1.000 cây Sa nhân tím đã bắt đầu ra hoa và cho quả. Sự lo lắng khi mới bắt đầu trồng đã không còn nữa, thay vào đó là niềm vui khi công sức lao động bỏ ra đã cho thành quả. “Trồng cây Sa nhân tím không vất vả lắm, khi trồng cũng không cần chăm bón nhiều, trồng cây nào cây đó phát triển rất nhanh; qua gần 2 năm trồng giờ đã ra quả, gia đình cảm thấy rất vui” - chị Cử Thị Giàng phấn khởi chia sẻ. Ông Sùng Hòa Phàng, Trưởng thôn Suối Péo Ngài cho biết: “Khi được triển khai dự án trồng cây Sa nhân tím dưới tán rừng, nhiều hộ trong thôn đã mạnh dạn đăng ký cùng tham gia trồng 0,5 ha. Hiện nay, tất cả diện tích của các hộ tham gia trồng thử nghiệm cây Sa nhân tím đều đã ra hoa và cho những quả đầu tiên, gia đình nào trong bản cũng vui”.

Mô hình cây Sa nhân tím dưới tán rừng tái sinh là mô hình đầu tiên tại xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần được triển khai từ tháng 4.2018, với diện tích 0.5 ha, có 4 hộ tham gia. Các hộ dân ở đây được hỗ trợ giống, phân bón, khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình trồng, chăm sóc và hưởng lợi 100% khi thu hoạch. Qua đánh giá, số Sa nhân tím đã trồng phát triển tốt, hiện đã ra hoa và quả, dự tính thu hoạch được khoảng gần 200 kg quả tươi ở vụ đầu tiên.

Người dân kiểm tra quả Sa nhân.

Người dân kiểm tra quả Sa nhân.

Đồng chí Lý Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Nàn Xỉn cho biết: “Cây Sa nhân là mô hình trồng thử nghiệm đầu tiên của xã, khi mới triển khai, bà con nhân dân đã tích cực tham gia và được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn thực hiện mô hình một cách hiệu quả. Sau gần 2 năm thực hiện đến nay, cây Sa nhân trồng tại địa phương đã cho sản phẩm. Điều kiện thời tiết tại địa phương mát mẻ rất phù hợp với cây Sa nhân, bà con rất phấn khởi. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chăm sóc theo kỹ thuật chuyên môn, định hướng bà con trồng cây Sa nhân trên địa bàn xã”.

Sa nhân tím là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư, giá trị kinh tế cao và có khả năng chống xói mòn đất giúp bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện, mỗi kg Sa nhân tươi được bán với giá 250.000 đồng/kg và Sa nhân khô là khoảng 600.000 đồng/kg. Theo tính toán, cây Sa nhân trồng dưới tán rừng tự nhiên trong năm đầu tiên sẽ cho thu nhập 50 triệu đồng/0,5 ha và những năm tiếp theo năng suất sẽ cao hơn. Thông qua việc hưởng lợi từ cây Sa nhân mang lại, người dân càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng.

Để giúp người dân biết cách thu hoạch quả Sa nhân, phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Xín Mần kết hợp với UBND huyện Nàn Xỉn đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân cách thức thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch quả Sa nhân để đảm bảo chất lượng, tránh không để ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Đồng chí Lý Quốc Hưng cho biết thêm: “UBND xã sẽ cử cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn bà con cách thức thu hoạch. Bởi cây Sa nhân ra quả theo chùm. Để thu hoạch có hiệu quả phải thường xuyên kiểm tra quả để thu hái nhiều lần trong một vụ và thu hái quả đúng thời điểm, thời kỳ lúc đó mới đảm bảo chất lượng, đưa ra thị trường mới có giá trị kinh tế cao. Trong thời gian tới địa phương sẽ tổ chức họp, nghiệm thu kết quả, tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình và có kế hoạch cụ thể để nhân rộng mô hình trên địa bàn thôn Péo Suối Ngài cũng như các thôn trên địa bàn xã. Đồng thời UBND xã Nàn Xỉn sẽ quy hoạch vùng để trồng với diện tích, quy mô lớn”.

Như vậy, cây Sa nhân rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng như tập quán canh tác của bà con xã Nàn Xỉn. Cây sinh trưởng tốt, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, phân bón… mà vẫn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Có thể nói với một nơi vùng sâu, vùng xa khó khăn như thôn Péo Suối Ngài thì đây là cả một cuộc cách mạng làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nơi vùng sâu, biên giới phía Tây của tỉnh.

Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chuong-trinh-khoi-nghiep/201909/trien-vong-trong-cay-sa-nhan-tai-xa-bien-gioi-xin-man-749548/