Triệt phá đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép

Sau một thời gian triển khai các biện pháp nghiệp vụ, ngày 5-9, BĐBP Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị có liên quan đấu tranh thành công Chuyên án HT 820. Qua đó, kịp thời ngăn chặn 16 người có hành vi xuất cảnh trái phép, đồng thời bắt giữ các đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới.

Các công dân Việt Nam bị BĐBP và Công an tỉnh Hà Tĩnh ngăn chặn kịp thời trước khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc trong Chuyên án HT 820. Ảnh: Mạnh Giang

Các công dân Việt Nam bị BĐBP và Công an tỉnh Hà Tĩnh ngăn chặn kịp thời trước khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc trong Chuyên án HT 820. Ảnh: Mạnh Giang

Từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với quyết tâm của toàn lực lượng BĐBP, BĐBP Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh với các loại tội phạm và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, chú trọng kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự địa bàn. Điển hình, ngày 5-9, BĐBP Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh thành công Chuyên án HT 820, kịp thời ngăn chặn 16 công dân có hành vi xuất cảnh trái phép qua biên giới, đồng thời, bắt giữ 4 đối tượng chủ chốt trong đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép.

Trở lại với Chuyên án HT 820, trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại khu vực biên giới biển thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, các đơn vị BĐBP Hà Tĩnh được nhân dân cung cấp thông tin, một số đối tượng trên địa bàn có dấu hiệu tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Trên cơ sở đó, BĐBP Hà Tĩnh đã cử các trinh sát tiến hành thu thập, xác minh thông tin người dân cung cấp là chính xác. Hoạt động này được tổ chức rất tinh vi, chặt chẽ, vì vậy, đầu tháng 8-2020, Chuyên án HT 820 được BĐBP Hà Tĩnh xác lập và kiên trì tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh.

Sau khi chuyên án được xác lập, các trinh sát đã nhanh chóng vào cuộc và bước đầu xác định được các đối tượng trong đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Ban Chuyên án nhận định, hoạt động của đường dây này với nhiều thủ đoạn rất tinh vi, đặc biệt có sự cấu kết chặt chẽ của nhiều đối tượng ở cả trong và ngoài nước. Ban Chuyên án HT 820 đã đưa 3 đối tượng: Phạm Đình Thịnh, sinh năm 1990, ở xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh; Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1988, ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh và Nguyễn Thị Mỹ Xoan, sinh năm 1998, ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh vào diện theo dõi đặc biệt. Các đối tượng trên thường tìm đến gặp và “rỉ tai” những người có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu sang Trung Quốc, bởi bên đó dễ tìm kiếm công ăn việc làm. Nếu ai có nhu cầu, họ dẫn đi với chi phí thấp và đảm bảo thành công.

Tin lời của các đối tượng, một số người dân trên địa bàn đã chấp nhận nộp khoảng 9,5 triệu đồng để được đưa sang Trung Quốc làm ăn. Khi “gom” được khoảng 6-7 người, các đối tượng bắt xe dẫn họ ra các tỉnh biên giới phía Bắc để móc nối với các đối tượng khác lợi dụng sơ hở của các lực lượng chức năng để đưa qua biên giới. Nhằm tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng, trong quá trình đưa người xuất cảnh trái phép, các đối tượng đã thu toàn bộ điện thoại của nạn nhân.

“Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai chuyên án, chúng tôi đã xác định được những đối tượng chính trong đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép cũng như thủ đoạn của chúng. Tuy nhiên, để bắt được các đối tượng, cần phải tập hợp được đầy đủ chứng cứ, chứng minh được hành vi của đối tượng. Nhiều trinh sát đã phải vất vả bí mật theo dõi đối tượng từ Hà Tĩnh ra tận khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng để thực hiện nhiệm vụ” - Thượng tá Trần Doãn Tuấn, Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Tĩnh cho biết.

Cũng theo Thượng tá Trần Doãn Tuấn, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sự kiên trì bền bỉ, ngày 5-9, tại địa bàn biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, lực lượng phối hợp của BĐBP Hà Tĩnh; Công an tỉnh Hà Tĩnh; BĐBP Cao Bằng và Công an tỉnh Cao Bằng đã bắt quả tang 16 người (gồm 5 nữ và 11 nam) đến từ các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên... đang có hành vi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, có 6 người khai nhận được đối tượng Phạm Đình Thịnh tổ chức dẫn đường, 4 người khác do đối tượng Trần Văn An (quê ở tỉnh Thanh Hóa) dẫn đường và 6 người còn lại đã liên hệ với nhà xe để được đưa qua bên kia biên giới. Từ lời khai của các đối tượng, BĐBP Hà Tĩnh và Công an Hà Tĩnh đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp thêm 2 đối tượng: Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Mỹ Xoan với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép. Tại cơ quan chức năng, các đối tượng bước đầu khai nhận hành vi của mình.

Nói về hành vi của các đối tượng cũng như những rủi ro mà nạn nhân có thể gặp phải khi xuất, nhập cảnh trái phép, Thượng tá Trần Doãn Tuấn khẳng định: “Mọi hoạt động xuất cảnh trái phép qua biên giới đều bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nhân dân không nên tin vào những lời hứa hão huyền của các đối tượng môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép vì sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng của mình”.

Mạnh Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/triet-pha-duong-day-to-chuc-dua-nguoi-xuat-canh-trai-phep-post433036.html