Trong tiếp công dân, phải xác định được cốt lõi vấn đề người dân mong muốn
Chiều 19-4, Học viện Cán bộ TPHCM, Thanh tra TPHCM và Ban Tiếp công dân TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo 'Hoạt động tiếp công dân, từ lý luận đến thực tiễn'.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Chánh Thanh tra TPHCM Trần Đình Trữ khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm, chăm lo đến lợi ích của người dân, đặt lợi ích của người dân lên trên và luôn lắng nghe các ý kiến góp ý, kiến nghị chính đáng của người dân. Từ các quy định pháp luật, hướng dẫn của Trung ương, TPHCM đã chủ động và kịp thời ban hành các văn bản, quy định về công tác tiếp dân để triển khai thực hiện từ cấp thành phố đến các phường, xã, thị trấn, nhằm ghi nhận, giải quyết nhanh chóng các ý kiến của người dân.
Nhằm phân tích, đánh giá về hoạt động tiếp công dân, thông qua hội thảo, các nhà lãnh đạo, quản lý và các nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu về lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước về hoạt động tiếp công dân. Đồng thời, khuyến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân của TPHCM trong bối cảnh mới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về thực trạng tiếp công dân tại TPHCM trong thời gian qua. Chia sẻ kinh nghiệm tiếp công dân tại hội thảo, Bí thư Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) Phạm Xuân Khánh cho rằng, muốn làm tốt công tác tiếp công dân thì phải đối thoại với người dân. Người đứng đầu địa phương phải xem công tác tiếp xúc đối thoại với người dân là công việc thường xuyên phải làm, từ đó theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các nội dung đã được kết luận.
Từ kinh nghiệm trên, trong thời gian qua, phường Cầu Ông Lãnh đã triển khai hiệu quả nhiều phần việc như chấm dứt hoạt động chợ Cô Giang; giải tỏa các hộ lấn chiếm hẻm trong chợ Cầu Muối để nâng cấp hẻm… mà không phát sinh bất cứ vấn đề khiếu nại nào.
Theo bà Nguyễn Trung Châu Tuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1, trong nội hàm câu chuyện tiếp công dân, phải xác định được cốt lõi vấn đề người dân mong muốn. Phần nhiều, người dân muốn gặp chính quyền xuất phát từ lợi ích của chính họ. Do đó, việc tiếp công dân cũng phải xuất phát từ cốt lõi là lợi ích của người dân để từ đó đi đến sự hài hòa về lợi ích. Song, bà Nguyễn Trung Châu Tuyên cũng đề cập đến thực tế còn một bộ phận người dân khó đồng thuận trong quá trình tiếp xúc, thậm chí có trường hợp mất bình tĩnh, gây khó cho cán bộ tiếp công dân. Từ đó, bà Nguyễn Trung Châu Tuyên kiến nghị cần có giải pháp vừa đảm bảo công tác tiếp công dân hiệu quả, vừa bảo vệ cán bộ tiếp công dân, tránh những trường hợp quá khích.
Đề cập đến quy định người đứng đầu địa phương, đơn vị phải tiếp công dân ít nhất 1 lần/tuần, ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch phường 14, quận Tân Bình cho rằng, với quy định này cũng khó để địa phương lên lịch cứng tiếp công dân. Qua đó, ông Nguyễn Đức Hiếu kiến nghị cần nghiên cứu, xem xét cho phép cấp trưởng ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân trong một số trường hợp cụ thể hoặc giảm thời gian tiếp công dân của người đứng đầu; Có quy chế trong việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong quá trình cán bộ tiếp công dân.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng phân tích và hiến kế nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ công tác tiếp công dân được thuận lợi, tạo sự đồng thuận của người dân như thái độ của cán bộ tiếp công dân; không khí tiếp công dân hay cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tiếp công dân…
Ngoài các ý kiến thảo luận tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 62 bài tham luận. Các bài viết đã tập trung bàn về những vấn đề lý luận và chia sẻ kinh nghiệm trong nước, quốc tế về hoạt động tiếp công dân cũng như khuyến nghị, gợi mở những hàm ý chính sách để nâng cao hiệu quả của hoạt động tiếp công dân trong điều kiện mới. Cùng với đó, phân tích tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp công dân và những hướng vận dụng vào thực tiễn hoạt động tiếp công dân hiện nay; phân tích về văn hóa giao tiếp, kỹ năng, phong cách giao tiếp với người dân của cán bộ làm công tác tiếp công dân.