Trung Quốc cố ngăn khủng hoảng của China Evergrande lây lan

Chính quyền Bắc Kinh đang làm nhiều cách để ngăn cuộc khủng hoảng xuất phát từ Evergrande lan rộng trong ngành bất động sản.

Theo Bloomberg, trong vụ sụp đổ của China Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, các động thái của chính quyền cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ những tập đoàn bất động sản khỏe mạnh, khách mua nhà và thị trường bất động sản. Còn thiệt hại sẽ thuộc về các trái chủ trên toàn cầu.

Trong tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã chỉ đạo các cơ quan quản lý tài chính hàng đầu thúc đẩy ngân hàng nới lỏng tín dụng đối với người mua nhà và hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.

Họ cũng mua cổ phần của China Evergrande trong một ngân hàng để hạn chế rủi ro lây lan. Trong vòng 10 ngày, ngân hàng trung ương đã bơm 790 tỷ NDT (123 tỷ USD) vào hệ thống tài chính.

 Gần 800 dự án nằm tại 200 thành phố của China Evergrande vẫn chưa được hoàn thành. Ảnh: Reuters.

Gần 800 dự án nằm tại 200 thành phố của China Evergrande vẫn chưa được hoàn thành. Ảnh: Reuters.

"Hàng rào khoanh vùng"

Bắc Kinh không phát đi bất cứ tín hiệu nào về một gói cứu trợ trực tiếp đối với China Evergrande. Các nhà hoạch định chính sách sẽ làm mọi cách để tạo ra "hàng rào khoanh vùng" tập đoàn, tức tách biệt những vấn đề tài chính của China Evergrande với phần còn lại của ngành.

Đó là tin xấu đối với các trái chủ trong nước và nước ngoài, những người đang trông chờ vào một gói cứu trợ của chính quyền.

"Nghĩa vụ đầu tiên là hoàn thiện và bàn giao nhà cho khách mua", ông Bruce Richards - CEO Marathon Asset Management - bình luận. "Các trái chủ nước ngoài là ưu tiên cuối cùng", ông nói thêm.

Đối với các nhà quản lý, những tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng đáng lo ngại hơn nhiều sự sụp đổ của China Evergrande. Tập đoàn là một trong các nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, China Evergrande chỉ chiếm 4% doanh số bán hàng tại nước này.

Theo nghiên cứu mới đây của nhà kinh tế Ken Rogoff tại Đại học Harvard, thất bại của China Evergrande có thể làm xáo trộn ngành công nghiệp đóng góp vào 29% nền kinh tế Trung Quốc.

Nghĩa vụ đầu tiên là hoàn thiện và bàn giao nhà cho khách mua. Các trái chủ nước ngoài là ưu tiên cuối cùng

Ông Bruce Richards, CEO Marathon Asset Management

Giá cổ phiếu của các tập đoàn bất động sản như Sunac China Holdings Ltd. và Guangzhou R&F Properties Co. đã lao dốc.

Lãi suất trái phiếu cũng tăng vọt. Theo Moody’s Investors Service, 12 công ty bất động sản Trung Quốc đã không thể thanh toán 19 tỷ NDT trái phiếu trong năm nay.

Hôm 4/10, cổ phiếu của China Evergrande và đơn vị quản lý tài sản đã bị ngừng giao dịch trên sàn Hong Kong. Hồ sơ của sàn giao dịch không chỉ ra lý do cụ thể.

Trung Quốc cũng đối mặt với phản ứng dữ dội của 1,6 triệu khách hàng đã đặt cọc mua nhà của China Evergrande. Các nhà đầu tư cũng tìm đến văn phòng của tập đoàn để đòi lại 40 tỷ NDT sản phẩm đầu tư lãi suất cao.

Cuộc khủng hoảng của tập đoàn địa ốc khổng lồ là phép thử cho các nỗ lực cải cách của giới chức Bắc Kinh. Trung Quốc buộc phải chọn giữa duy trì sự ổn định xã hội và tài chính, hoặc tiếp tục theo đuổi chiến dịch chấn chỉnh ngành bất động sản.

Hỗ trợ ngành bất động sản

Để hạn chế ảnh hưởng đối với lĩnh vực bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang và những quan chức khác đã yêu cầu các tổ chức tài chính hợp tác với chính quyền để "duy trì sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản" và bảo vệ khách mua nhà.

Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhà quản lý đã yêu cầu ngân hàng không đồng loạt cắt nguồn vốn đối với những tập đoàn địa ốc. Nhà băng nên tiếp tục hỗ trợ các dự án đang được xây dựng và phê duyệt những khoản vay thế chấp cho người mua đủ điều kiện.

Các động thái của Bắc Kinh đã đẩy giá cổ phiếu của lĩnh vực bất động sản phục hồi. “Với quy mô khổng lồ và tầm quan trọng của lĩnh bất động sản đối với nền kinh tế, chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ làm mọi cách để các tập đoàn 'hạ cánh an toàn', nhất là vào thời điểm bất ổn gia tăng do đại dịch", nhà phân tích Christina Zhu của Moody nhận định.

 Giới quan sát cảnh báo về rủi ro vỡ nợ của China Evergrande do tình hình thanh khoản và tổng nợ phải trả hơn 300 tỷ USD. Ảnh: New York Times.

Giới quan sát cảnh báo về rủi ro vỡ nợ của China Evergrande do tình hình thanh khoản và tổng nợ phải trả hơn 300 tỷ USD. Ảnh: New York Times.

Theo các nhà nghiên cứu của Citigroup Inc., Bắc Kinh có thể vào cuộc, chia tách hoạt động kinh doanh của China Evergrande và bán tài sản cho những nhà đầu tư chiến lược. Với chiến lược này, các trái chủ sẽ chịu lỗ, còn những nhà đầu tư cổ phần có thể bị xóa sổ.

Đến nay, Trung Quốc đã hạn chế được sự lây lan của China Evergrande. Theo Standard & Poor’s, các khu vực khác của thị trường tài chính không chịu ảnh hưởng nhiều. Tác động chỉ giới hạn ở các nhà phát triển được xếp hạng B.

Citigroup hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 5,5% xuống 4,9%.

"Các cơ quan quản lý sẽ không để một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống xảy ra. Đồng thời, họ vẫn trừng phạt những tập đoàn địa ốc sử dụng đòn bẩy tài chính cao", ông Zhou Hao, chiến lược gia tại Commerzbank AG (có trụ sở ở Singapore), bình luận.

Trong khi đó, các trái chủ đang chuẩn bị cho khoản lỗ lớn. Tuần trước, S&P dự báo "khả năng vỡ nợ rất cao" đối với China Evergrande do tình hình thanh khoản và tổng nợ phải trả hơn 300 tỷ USD.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-co-ngan-khung-hoang-cua-china-evergrande-lay-lan-post1268412.html