Trung Quốc- Mỹ- WTO trong cuộc đấu tay ba
Mỹ đã không hoàn toàn tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có thể hứng chịu các lệnh trừng phạt của Trung Quốc nếu không gỡ bỏ một số biện pháp thuế quan bị xem là vi phạm quy định của WTO. Đây là tuyên bố mà các thẩm phán xử phúc thẩm của WTO đưa ra trong một phiên tòa hôm 16-7.
WTO kết luận Mỹ phạm quy
Năm 2012, Trung Quốc đệ đơn kiện Mỹ lên WTO, cáo buộc các biện pháp thuế chống trợ cấp của Mỹ nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã vi phạm quy định của WTO. Các mặt hàng gồm tấm pin mặt trời, tháp điện gió, thép cuộn và ống nhôm có tổng trị giá là 7,3 tỷ USD tại thời điểm đó. Phản ứng trước phán quyết này, Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nói rằng phán quyết của WTO đã thừa nhận một thực tế là Mỹ đã chứng minh được việc Trung Quốc đã trợ giá các mặt hàng xuất khẩu nói trên thông qua các DN Nhà nước (SOEs) của họ đồng thời làm méo mó nền kinh tế.
Tuy nhiên, phán quyết này cũng cho rằng Mỹ cần chấp nhận những mức giá mà Trung Quốc đề ra để tính toán được mức trợ cấp, cho dù USTR coi những mức giá này là “sai lệch”. Phía Mỹ cho rằng kết luận này bỏ qua các kết luận của Ngân hàng Thế giới, tài liệu, khảo sát kinh tế và những minh chứng khác của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mà Mỹ đã viện dẫn. “Quyết định của tòa phúc thẩm WTO đã hủy hoại các quy định của WTO, khiến chúng kém hiệu lực trong việc chống lại các biện pháp trợ giá nhà nước của Trung Quốc vốn đang gây tổn hại đến công nhân và DN Mỹ cũng như làm méo mó hoạt động của thị trường toàn cầu”.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16-7 phản bác rằng quyết định của tòa phúc thẩm WTO cho thấy Mỹ “liên tục lạm dụng các biện pháp trừng phạt thương mại gây tổn hại nghiêm trọng đến tính công bằng trong môi trường thương mại quốc tế”.
Tuyên bố của USTR cũng cho rằng phán quyết của cơ quan phúc thẩm WTO cho thấy mối quan ngại của Mỹ về cơ quan này. Trước đó, Washington đã cáo buộc cơ quan này vi phạm các quy định mang tính thủ tục và vượt quá thẩm quyền của mình.
Theo Reuters, nếu Trung Quốc muốn áp đòn trừng phạt với Mỹ trong vụ việc này thì Bắc Kinh cần phải đệ đơn kiện mới trong đó lập luận về mức độ tổn hại đối với hoạt động thương mại của mình. Vụ Trung Quốc kiện Mỹ nói trên liên quan 17 cuộc điều tra mà Bộ Thương mại Mỹ tiến hành từ thời Chính quyền tiền nhiệm Barack Obama từ năm 2007-2012.
Trung Quốc "ngấm đòn" Mỹ
Cuộc tranh cãi mới nói trên diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn một năm qua chưa có hồi kết và việc nối lại đàm phán để đi đến một thỏa thuận đang diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng. Theo Tân Hoa Xã, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,3% trong nửa đầu năm 2019, vẫn trên đà ổn định và tạo nền tảng vững chắc cho nước này thực hiện các mục tiêu tăng trưởng hàng năm. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng kinh tế yếu nhất của Trung Quốc từ năm 1992, kể cả so với thời điểm khủng hoảng năm 2009. Theo RFI, điều này cho thấy Trung Quốc đang “ngấm đòn” trừng phạt của Tổng thống Trump.
Áp lực của Mỹ và môi trường thiếu lành mạnh trong nước đã làm cho kinh tế Trung Quốc "giảm tốc”. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm dần, chỉ còn 6,2% theo thống kê quý II-2019. Hàng nghìn Cty Trung Quốc đã phá sản. Vấn đề là Trung Quốc chưa có "thuốc trị”. Các báo Les Echos, báo La Croix và Le Figaro (Pháp) đăng cùng một dòng tít: "Đấu sức với Mỹ, kinh tế Trung Quốc trượt dốc”. Theo Le Figaro, Bắc Kinh không có giải pháp khả thi.
Trước hết, các biện pháp kích cầu đều thất bại. Tháng vừa qua, Trung Quốc đã "bơm" vào thị trường 300 tỷ USD, không kể 80 tỷ được giải ngân hồi năm 2018 để hỗ trợ đầu tư qua một chương trình lớn xây dựng đường sắt, nhà máy điện và sân bay. Chiến lược này từng được áp dụng trong hai lần khủng hoảng trước là năm 2009 và năm 2015. Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp là hơn 5,1%. Ở các tỉnh miền Nam, hàng nghìn nhà máy đã phải đóng cửa. Một số nhà máy đã chuyển sang Việt Nam.
Theo nhận định của chuyên gia tài chính Edward Moya thuộc Cty Oanda, kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại nặng do chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Bức tranh còn u ám hơn vì nợ chiếm đến 250% GDP. Vụ ngân hàng Nội Mông Baoshang bị tái cấu trúc và ngân hàng trung ương Trung Quốc phải "bơm" vào hệ thống tài chính 127 tỷ USD là một dấu hiệu báo động. Vấn đề là Chính phủ Trung Quốc dường như không có giải pháp khả thi. Giải pháp giảm lãi suất để kích thích đầu tư đã được dự kiến nhưng khó tránh được hệ quả làm suy yếu hệ thống ngân hàng và làm tăng lạm phát.
Cùng quan điểm trên, nhật báo kinh tế Les Echos dự đoán kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tăng trưởng trước ba cú sốc cùng lúc: công nghệ, tài chính và chiến tranh thương mại. Do vậy, các biện pháp mới thúc đẩy tăng trưởng sẽ càng ngày càng ít hiệu quả.
Báo Les Echos nêu ra một danh sách gồm các tập đoàn có danh tiếng, từ xe hơi đến sản phẩm tiêu dùng đại chúng đã chạy từ Trung Quốc sang Đài Loan và Đông Nam Á. Trong khi đó, báo Libération dành 5 trang chỉ để phân tích tình trạng và phản ứng của Tập đoàn Huawei qua hai bài viết có tựa đề "Huawei trước cơn chấn động" và "Huawei đi vào đường hầm”. Nội dung của các bài viết cho thấy tình trạng ế ẩm, doanh số giảm. Tập đoàn này được dự báo sẽ mất từ 40% đến 60% thị phần quốc tế từ nay đến cuối năm.
Ngay sau phán quyết của WTO, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về việc Trung Quốc không thực hiện cam kết mua thêm các mặt hàng nông nghiệp của Mỹ, đồng thời tuyên bố Washington sẽ đánh thuế quan lên lượng hàng hóa bổ sung của Trung Quốc trị giá 325 tỷ USD nếu thấy cần thiết. Nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa này, chưa biết kinh tế Trung Quốc sẽ đi đâu về đâu.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/trung-quoc-my-wto-trong-cuoc-dau-tay-ba-156120.html