Trung Quốc phát hiện virus khổng lồ dưới Rãnh Mariana sâu nhất Trái Đất
Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện loại virus khổng lồ từ mẫu vật dưới Rãnh Mariana thuộc Tây Thái Bình Dương, vốn được coi là nơi sâu nhất trên Trái Đất.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết các nhà khoa học đã phát hiện virus khổng lồ có tên mimivirus vốn sống ký sinh vào trùng amip. Họ lấy mẫu nghiên cứu từ trầm tích ở vị trí 11.000 m dưới mực nước biển ở Vực thẳm Challenger thuộc Rãnh Mariana.
Do địa lý phức tạp nên việc khai thác mẫu phẩm từ Vực thẳm Challenger là rất khó khăn nhưng tàu nghiên cứu Zhang Jian từ cách đây 5 năm đã thực hiện nhiệm vụ và thu về đủ mẫu vật cho đội ngũ nghiên cứu.
Các nhà khoa học tại Đại học Fudan và Đại học Hải dương Thượng Hải đã đăng tải kết quả nghiên cứu trên tạp chí Genome Biology trong tháng 7.
Năm 1992, các nhà khoa học ban đầu nhầm lẫn mimivirus với vi khuẩn bởi chúng có thể đạt kích thước rộng 700 nanomet. Nhà vi trùng học Timothy Robotham đã phát hiện mimivirus tại tháp làm mát ở một nhà máy năng lượng thuộc Bradford (Anh) trong quá trình điều tra nguyên nhân gây ra dịch viêm phổi ở địa phương.
Bà Kristin Parent tại Đại học Michigan (Mỹ) đánh giá virus khổng lồ thường có lớp vỏ ngoài lớn và có sức bền do vậy chúng có khả năng chống chịu được môi trường khắc nghiệt. Các nhà khoa học còn ấn tượng với hệ gien phức tạp của mimivirus vốn có hơn 1,2 triệu cặp cơ sở. Trong khi hệ gien của virus Corona ít hơn tới 40 lần. Ở một số thí nghiệm, virus khổng lồ có thể gây tổn hại mô của động vật có vú, nhưng đến nay chưa có bằng chứng chúng gây hại trực tiếp đến con người.
Rãnh Mariana cách Thượng Hải 3.000 km nhưng đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghiên cứu hải dương của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cho biết khám phá khoa học của nước này tại khu vực sâu nhất của Trái Đất sẽ giúp tăng cường hiểu biết về thế giới vẫn chưa được biết đến nhiều này và hỗ trợ bảo vệ môi trường trong tương lai khi việc khai thác dưới đáy biển sâu là cần thiết.
Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá thông tin về gien của các sinh vật sống ở môi trường khắc nghiệt có thể giúp tìm ra được những loại thuốc hoặc công cụ sinh học mới.