Trung Quốc sắp đối mặt với mùa đông thiếu điện

Trung Quốc sắp phải đối diện với một mùa đông thiếu điện trong những ngày tới đây, trong bối cảnh nguồn cung năng lượng toàn cầu không đáp ứng kịp nhu cầu và giá nhiên liệu leo thang.

Theo Bloomberg, Trung Quốc lại sắp phải đối diện với một mùa đông thiếu điện trong thời gian tới đây khi nguồn cung năng lượng toàn cầu không đáp ứng đủ nhu cầu đẩy giá nhiên liệu lên mức cao kỷ lục. Những điều này có thể sẽ ảnh hưởng bất lợi tới sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc sắp đối mặt với mùa đông thiếu điện. Ảnh: Getty Images.

Trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh ở Bắc Á và châu Âu “giành giật” nguồn cung hạn chế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối diện với nguy cơ thiếu điện trong mùa đông tới đây. Mặc dù Trung Quốc đã nỗ lực dự trữ nhiên liệu trong một năm qua, hiện nước này vẫn đối mặt với tình trạng không đủ than đá và khí đốt tự nhiên – nhiên liệu dùng để sưởi ấm cho các hộ gia đình và nhà máy điện.

Không những vậy, nhu cầu sử dụng điện sẽ ngày một tăng mạnh khi thời tiết chuyển lạnh trong vài tháng tới. Điều này có thể giúp kích hoạt chính sách cung cấp theo kế hoạch về điện lực như mùa đông và mùa hè năm trước.

Kịch bản xấu nhất

Trung Quốc ngừng nhập khẩu than của Australia hồi tháng 11/2020. Ảnh: CNBC.

Sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng và giá cả nhiên liệu leo thang có thể làm tổn hại đến các ngành công nghiệp của Trung Quốc. Tình trạng này sẽ làm trầm trọng thêm sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế của nước này, đặc biệt là trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và du lịch sụt giảm do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Kịch bản xấu nhất có thể xảy ra đó là các hộ gia đình không có điện sưởi ấm trong thời tiết lạnh giá, dù cho các chuyên gia phân tích cho rằng chính phủ sẽ chấp nhận hy sinh các hoạt động sản xuất tại các nhà máy và nhường điện cho các hộ dân.

“Một số tỉnh khu vực Đông Nam Trung Quốc có thể sẽ đối diện với một đợt thiếu hụt điện khác trong tiết trời lạnh giá. Suốt mùa hè vừa qua, nguồn cung than nhiệt luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện”, ông Hán Dương Vệ, chuyên gia phân tích của BloombergNEF nhận định.

Cùng với nền kinh tế phục hồi từ trong đại dịch, giá năng lượng từ Bắc Kinh tới London đều bị đẩy lên cao do nhu cầu đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại các nhà máy vào thời điểm nguồn cung thiếu hụt. Xu thế tăng giá mạnh trên toàn cầu dự kiến cũng sẽ đạt đỉnh trong mùa đông năm nay khi nhu cầu tại Bắc bán đầu đạt đỉnh. Điều này có thể gây gián đoạn việc phục hồi kinh tế toàn cầu và kích thích lạm phát.

Hồi đầu tuần này, ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. đã dự báo giá than tiêu chuẩn của châu Á sẽ tăng gấp đôi trong quý IV (từ tháng 10 đến tháng 12) năm nay. Một phần nguyên nhân được cho là do sự cạnh tranh thu mua nhiên liệu sản xuất điện của các nhà máy, giá giao ngay của khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Bắc Á đã tăng bốn lần trong năm ngoái và đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Nếu giá than đá và khí đốt tự nhiên tiếp tục duy trì ở mức cao trong mùa đông tới, rủi ro thiếu điện sẽ là rất lớn”, theo chuyên gia phân tích Lara Dong thuộc công ty nghiên cứu thị trường HIS Markit.

Chính sách cắt giảm

Nhà máy điện than tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Kể từ đầu năm nay, Trung Quốc đã cắt giảm điện cung cấp cho các nhà máy để đáp ứng các mục tiêu về hiệu quả năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường của chính quyền Tập Cận Bình. Song, một cuộc khủng hoảng về điện cung cấp sắp diễn ra có thể làm trầm trọng thêm tình hình tại Trung Quốc.

Nhôm là một trong số những “mục tiêu” được Trung Quốc nhắm trong chiến dịch hạn chế nguồn điện mới này. Nguyên nhân là quá trình sản xuất nhôm đòi hỏi lượng điện khổng lồ. Giá nhôm hiện đang chạm ngưỡng 3.000 USD/tấn, mức kỷ lục trong vòng 13 năm qua.

Vào cuối năm ngoái, hàng triệu người dân Trung Quốc đã phải trải qua một mùa đông thiếu điện trong khí hậu lạnh giá. Khoảng 57 triệu người sống ở tỉnh Chiết Giang, phía nam Thượng Hải đã phải chịu cảnh thiếu hụt điện, cắt điện. Trong khi đó, tại tỉnh Hồ Nam, nơi có 67 triệu dân sinh sống, một số cư dân đã phải leo 20 tầng do chung cư của họ bị cắt điện và thang máy dừng hoạt động.

Ngay cả tại trung tâm tài chính Thượng Hải, nơi có dân số khoảng 24 triệu người, chính quyền địa phương cũng yêu cầu các trung tâm mua sắm và tháp văn phòng tắt điều hòa nhiệt độ và điện thắp sáng bên ngoài không cần thiết.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do nước này ngừng nhập khẩu than đá từ Australia. Trong năm 2019, Australia là nhà cung cấp than nhiệt lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 57%. Loại than này dùng để tạo điện năng cho các nhà máy điện. Tuy nhiên, trong tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã đột ngột tuyên bố dừng nhập khẩu than đá của Australia, khiến gần trăm tàu chở than trị giá hơn 1,1 tỷ USD bị mắc kẹt tại ngoài khơi Trung Quốc.

Hương Vũ (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-sap-doi-mat-voi-mua-dong-thieu-dien-post156742.html