Trường hợp được rời hiện trường sau khi gây tai nạn

Tai nạn giao thông luôn mang lại những thương đau, mất mát cho những người trong cuộc và cả gia đình của họ. Tuy nhiên, không ít đối tượng sau khi gây tai nạn đã bỏ mặc nạn nhân ở lại trong tình trạng nguy kịch. Luật đã quy định rõ người điều khiển phương tiện giao thông và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn không được rời khỏi hiện trường trừ một số trường hợp cụ thể.

Tại khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Người gây tai nạn giao thông chỉ được rời khỏi hiện trường trong trường hợp sau:

- Người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu

- Tài xế đưa nạn nhân đi cấp cứu

- Tài xế cảm thấy bị đe dọa đến tính mạng. Trường hợp này thường xuyên xảy ra trên thực tế, khi người điều khiển phương tiện gây tai nạn thường bị người nhà nạn nhân hoặc những người dân xung quanh hành hung mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Khi rơi vào các trường hợp trên tài xế gây tai nạn có thể rời khỏi hiện trường, nhưng phải tới trình báo tại trụ sở công an gần nhất. Lưu ý, việc rời khỏi hiện trường khác với việc bỏ trốn, nếu người gây tai nạn giao thông để lại xe và rời khỏi hiện trường, sau đó đến trình diện tại cơ quan công an thì không bị coi là bỏ trốn.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/truong-hop-duoc-roi-hien-truong-sau-khi-gay-tai-nan-200736.htm