Tự dưng lại 'lòi ra' một Hà Nội
Nếu bình chọn một tiệm phở gà Hà Nội giữa lòng Sài Gòn, có lẽ sẽ nổ ra một cuộc tranh luận nho nhỏ nhưng khá nảy lửa giữa những fans hâm mộ phở gà. Một bộ phận sẽ chọn Tân Bình, một bộ phận bênh vực quán ở Song Hành, quận 2, không ít người trung thành với quán X. ở Phú Mỹ Hưng, và riêng tôi, cũng đủ kéo theo một cơ số anh em, kiên quyết đưa quán ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (mà trước kia nó vốn nằm ở Phạm Ngọc Thạch) lên hàng đầu.
Chính những tranh luận “đâu là phở gà Hà Nội số 1 Sài thành” đã khiến nhiều người trong “hiệp hội phở gà” chúng tôi luôn giữ một tâm niệm khám phá những quán mới, ngõ hầu có thứ hay ho chia sẻ cho đồng đạo.
Tôi cũng từng háo hức đến một quán mới như thế, cũng ở gần cơ quan thôi, và thất vọng trở về, đầy lén lút như thể sợ ai đó phát hiện ra mình vừa mới ăn ở một cái hàng “dở như hạch”. Nhưng sau bao lần lén lút rút kinh nghiệm như vậy, tôi (và tôi tin nhiều người giống tôi) vẫn không thể bỏ được thói quen đi ăn thử một tiệm mới với sự tò mò và cả “niềm tin và hi vọng”.
Một trưa cuối tuần uể oải vì nắng đến mức không muốn ra đường nhưng lại lạc trong mâu thuẫn là không muốn đặt đồ ăn trên mạng giao về nhà, tôi mở facebook, tìm vào nhóm “Hội thèm món Bắc chuẩn Hà Nội” với hi vọng có thể tìm ra giải pháp cho một bữa trưa nản không ra nản, thèm chẳng ra thèm. Cũng chẳng hiểu tại sao lại tìm giải pháp ở một hội nhóm trên facebook trong khi chỉ cần thực hiện 1 trong 2 động tác: hoặc là cưỡi xe ra phố, đến thẳng một địa chỉ quen nào đó; hoặc là lên ứng dụng đặt đồ ăn giao tận nhà. Và cuối cùng, giải pháp lại đến khi thấy một quảng cáo cho một cái quán mới toanh có tên “Hà Nội quán”.
Thú thực, cái tên ấy chẳng có gì là ấn tượng. Phải có đến cả trăm cái quán tên Hà Nội quán ở thành phố này. Một cái tên quá chung, không mới như vậy làm sao đủ sức thuyết phục. Nhưng chính cái hình ảnh tô phở gà được giới thiệu trên đó mới khiến tôi bị thu hút. Màu gà đẹp, màu nước trong, màu hành xanh mướt mắt khiến tôi lên cơn thèm. Đã thèm là phải đi. Tôi giục bạn đời mình mau mau xống áo để rồi hai đứa dắt nhau đi về quận 3 trong một ngày chủ nhật vắng người.
Hóa ra, cái quán ấy lạ mà quen. Nó nằm ở cái hẻm rất đẹp trên đường Võ Văn Tần, nơi có một tiệm hủ tíu xứng đáng được liệt vào hàng ngon lẫy lừng thành phố. Đó là tiệm hủ tíu mà xưa kia, hồi còn làm ở Thông tấn xã, tôi với chúng bạn vẫn ghé ăn đêm. Tiệm nằm trong một căn biệt thự cũ, chính là cái nơi mà xưa kia cậu em tôi thuê lại tầng trên để mở một Irish Pub chuyên giới thiệu whisky hảo hạng. Giờ, tiệm whisky của cậu đã dời về quận nhất, dời đi từ hồi chưa có COVID-19. Cái biệt thự cũ nhìn cũng hoang phế lắm, khi cái cabaret chuyên chơi nhạc jazz ở tầng trệt cũng đã dọn đi rồi. Thứ đọng lại chỉ là một không gian thoáng mát. Giữa trưa hè, không cần máy lạnh gì, chỉ cần cái quạt nho nhỏ góc phòng, đủ để cả không gian mát dịu dàng. Phải thừa nhận, người xưa làm nhà thông minh và khôn khéo thật.
Mở thực đơn, thấy đủ món cả, từ phở cho tới bún thang, từ bún ốc tới bún chả vv và vv… Tôi chột dạ. Mấy cái quán gì cũng có bán thường là mấy quán không ngon. Những quán chỉ chuyên một thứ thường luôn mang lại đặc sản đáng nhớ. Nhưng đã trót ngồi rồi, cứ thử xem sao.
Bún ốc: thử qua. Xôi gà: thử luôn. Miến gà: thử nốt… Mấy món ấy đều được nấu đúng kiểu Hà Nội, nhưng chưa thể gọi là ngon xuất sắc. Tôi thầm nghĩ “mình hoàn toàn có thể nấu ngon hơn”. Và quyết định cuối cùng, tôi giao phó vào sự trung thực của chủ quán khi bụng cả hai đứa đều lưng lửng rồi. “Ở đây, nhà mình nấu món gì ngon nhất?”, tôi hỏi bà chị nhận “o-đờ” (order). “Nhà mấy chị em cùng làm nên mỗi người mạnh một món. Nhưng thú thật với cậu, nhà chị ở Hà Nội vốn dĩ chuyên bán bánh gối, bánh tôm”, bà chị đáp. Vậy thì bánh tôm đi. Tôi quyết định. Và đĩa bánh tôm nho nhỏ được đưa lên rất nhanh. Thú thực, dù đã hơi no no nhưng cả tôi và bạn đời mình đều phải gật đầu thừa nhận là chưa bao giờ được ăn một bữa bánh tôm ngon đến thế. Vậy là từ một âm mưu đi thẩm định phở gà, tôi đã tìm ra một nơi bán bánh tôm, không phải là bánh tôm hồ Tây, nhưng đúng vị bánh tôm Hà Nội, thơm, giòn, vừa miệng, vừa miếng, và cũng vừa lòng người.
Rồi lân la hỏi chuyện, với câu hỏi muôn thuở mà ta có thể xã giao với bất kỳ chủ nhà hàng nào là “thuê nhà ở đây mắc không?”, tôi mới ngỡ ngàng biết rằng mấy anh chị em chủ quán không phải thuê nhà. Căn biệt thự này là tài sản chung của họ. Trước họ cho người ta thuê mở cái cabaret và chia sẻ lại trên lầu cho cậu em tôi mở cái pub. Rồi dịch kéo tới, chủ nhà cũng miễn tiền nhà cho người thuê một thời gian. Sau dịch, giá thuê giảm từ 70 triệu xuống còn 50 triệu, rồi giảm tiếp xuống 25 triệu mỗi tháng nhưng chủ cabaret vẫn không gồng nổi. Buông tay. Phá sản. Những note nhạc trang trí trên tường giờ vẫn còn đó nhưng lả tả lắm rồi. Tìm người thuê mới cũng khó. Mấy anh chị em kéo nhau từ Tân Bình lên cùng mở quán cho đỡ phí mặt bằng.
Chỉ mấy phút trò chuyện thôi, hơn hai năm trời được tua lại thật nhanh nhưng cũng thật kỹ trong mắt tôi. Hậu quả của dịch bệnh dã man và nặng nề quá. Những căn nhà mặt phố hoang vu ở chính những khu phố sầm uất ngày xưa là minh chứng rõ ràng nhất cho di chứng mà COVID-19 để lại. Những hàng quán thân quen bao năm bỗng dưng không còn tồn tại nữa cũng là nhắc nhớ về một thời dịch bệnh tàn phá kinh hoàng. Và dù thành phố đang hồi phục rất nhanh, rất khỏe, qua những hoạt động đô thị ngày một sầm uất hơn, qua những vươn mình ngày một mãnh liệt hơn, thì những tàn tích cũng không thể bị xóa nhòa.
Người chủ cabaret xưa kia giờ đang ở đâu, làm gì? Chỉ một câu hỏi ấy thôi đủ khiến tôi day dứt. Những bản nhạc trang trí trên tường khiến tôi càng phải suy ngẫm hơn. Ắt hẳn, người chủ ấy phải là người am tường âm nhạc lắm khi sử dụng những tổng phổ blue và jazz của những bản kinh điển làm điểm nhấn trang trí trên những khoảng tường. Nó không còn là những trang trí đơn thuần, mà là gửi gắm từ những mơ mộng. Song, cuộc mưu sinh không chừa chỗ cho mơ mộng bao giờ. Mưu sinh cần thực tế, một thực tế giản đơn là “nếu phải trả chỉ 25 triệu tiền thuê nhà mỗi tháng thôi, ta phải kinh doanh như thế nào để có thể đảm bảo thu hồi lại?”.
Tự dưng lại lòi ra một Hà Nội để tôi được nhận ra thêm những câu chuyện sát sườn nhất. Ừ, chính tôi cũng là kẻ mơ mộng, mà bạn đời bảo rằng “anh cứ như ở trên mây”. Cuộc sống cần thực tế lắm. Mai ta sống ra sao, con cái học ở đâu, thế nào… luôn là những câu hỏi đầu tiên và thực tế.
Muốn kiếm tìm một quán ăn ngon, để giới thiệu cùng khắp bạn bè, cũng cần thực tế là phải có tiền để móc xỉa trả cho một bữa ăn tùy thích. Không thể chỉ bước qua mọi trở ngại trong đời này bằng mơ mộng đơn thuần. Đã biết bao khách thơ ngã sấp mặt vì cơm áo rồi. Và nhìn vào cái hoang vu của căn biệt thự trong góc hẻm này, tôi càng hiểu đã từng có thêm một khách thơ xang bang xất bất.
Ngày mai lại là thứ Hai, một tuần mới, và tháng mới. Ngày mai tôi sẽ làm gì? Tự dưng câu hỏi ấy bật ra rõ mồn một. Dường như, chưa bao giờ tôi tự hỏi mình một câu nghiêm túc thế?
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/tu-dung-lai-loi-ra-mot-ha-noi-i661329/