Tự hào hình ảnh anh 'Bộ đội Cụ Hồ' trong lòng người dân xứ Huế

Phát huy truyền thống cách mạng của quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng và phẩm chất cao đẹp của 'Bộ đội Cụ Hồ', những người lính của lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế hôm nay đã không ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân trong mọi hoàn cảnh khó khăn.

Sẵn sàng chiến đấu

Mảnh đất lịch sử Thừa Thiên Huế đã tôi luyện cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh lòng kiên cường, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh tính mạng để chiến thắng mọi kẻ thù tạo nên truyền thống anh hùng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trên quê hương Thừa Thiên Huế.

Các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế lên đường tìm kiếm các công nhân đang còn mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại Thừa Thiên Huế, các đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng khu vực phòng thủ, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ.

Các chiến sĩ ăn vội hộp cơm tại hiện trường, để tiếp tục tìm kiếm các công nhân còn mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.

"Cuộc chiến" với đại dịch Covid-19

Trong "cuộc chiến" cam go với dịch Covid-19, đối diện với nguy cơ lây nhiễm, nhưng trong mọi hoàn cảnh, những người lính thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn ngày đêm thầm lặng đồng hành cùng công dân Việt Nam thực hiện tốt công tác cách ly y tế, phòng, chống dịch bệnh.

Với tinh thần "vì nhân dân phục vụ", các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly đã nêu cao trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, bảo đảm chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, thăm khám, kiểm tra sức khỏe hằng ngày và động viên tinh thần cho các công dân cách ly.

Đưa công nhân từ nước ngoài trở về đến nơi cách ly.

Cụ thể, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động hơn 4.700 lượt cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ và hàng trăm lượt phương tiện làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia phục vụ tại các khu cách ly. Bên cạnh đó Bộ CHQS tỉnh đã điều động lực lượng thành lập 6 khung quản lý và bộ phận phục vụ tại 7 điểm cách ly tập trung của tỉnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Trước những nỗ lực đó, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã biểu dương và đánh giá cao những cống hiến của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh. Các chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao tặng bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19 thuộc Bộ CHQS tỉnh.

Đồng hành cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai

Bên cạnh trận tuyến phòng chống đại dịch, công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai được xem là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của các cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các anh ngâm mình dưới nước để đưa người dân bị ngập lũ đến nơi an toàn.

Ngay khi được tin những cánh đồng lúa sắp thu hoạch của bà con nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập úng do mưa lớn, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang tỉnh cùng với Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã nhanh chóng lên đường hành quân, xuống các huyện vùng trũng như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Quảng Điền để giúp dân.

Những người chiến sĩ của nhân dân đã nhanh chóng tỏa ra khắp những cánh đồng bị ngập úng để gặt lúa, vận chuyển lên bờ và đưa về nhà cho bà con nhân dân.

Ông Trần Chiêu, ở thôn 2 xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự: “Gia đình tôi làm gần một ha lúa, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp triều cường nên phần đa lúa đổ ngã, ngập trong nước. Nhờ các anh bộ đội về giúp nên số lúa bị ngã đổ đã được thu hoạch hết. Hình ảnh những người lính Cụ Hồ dầm mình dưới nước gặt lúa giúp dân đã để lại những hình ảnh đẹp trong lòng người dân địa phương chúng tôi”.

Anh "Bộ đội Cụ Hồ" giúp dân gặt lúa mùa bão lũ.

Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy Trưởng - Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong thời gian vừa qua, trận mưa lũ lịch sử đã làm cho tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế đều bị ngập nước, với độ sâu từ 0,1 - 2,5m; trong đó các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thành phố Huế có nhiều nơi bị ngập sâu. Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện về các địa phương để tiến hành di dời tài sản và đưa người dân các vùng ngập lụt đến nơi an toàn”.

Thượng tá Ngô Nam Cường tặng quà cho nhân dân bị ngập lũ.

Thượng tá Cường nói thêm: “Mới đây, ngày 15/11, do ảnh hưởng của bão số 13, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có hàng ngàn nhà dân, trường học bị tốc mái, cây cối ngã đổ. Để kịp thời giúp các địa phương khắc phục hậu quả, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện nhanh chóng về các địa bàn để giúp nhân dân”.

Hiện nay, Bộ CHQS tỉnh trực tiếp chỉ đạo đưa quân xuống hiện trường để nắn dòng sông Rào Trăng 3 (tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), nhằm tìm kiếm 12 công nhân đang còn mất tích, do sạt lở núi. Dù có khó khăn vất vả đến thế nào đi nữa, đơn vị vẫn cố gắng tìm kiếm bằng được nhóm công nhân đang còn mất tích.

Có thể nói, ở đâu nhân dân gặp khó khăn, gian khổ thì ở đó có bộ đội giúp dân. Trong thời bình, phẩm chất, hình ảnh người "Bộ đội Cụ Hồ" tiếp tục được phát huy và tỏa sáng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cái Văn Long

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tu-hao-hinh-anh-anh-bo-doi-cu-ho-trong-long-nguoi-dan-xu-hue-post106063.html