Từ tuổi thơ đánh giày đến ông chủ 'bệnh viện' đồ da

Xuất phát điểm từ công việc đánh giày, ông chủ Bệnh viện đồ da muốn giúp người yếu thế tại khu vực TP.HCM bằng việc mở rộng mô hình doanh nghiệp xã hội.

Nguyễn Văn Phúc sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, bố là thương binh nặng. Năm lên 11 tuổi, bố anh qua đời và bốn chị gái phải nghỉ học. Đó là lúc anh bắt đầu làm quen với công việc đánh giày để có tiền đi học.

Nhờ việc đánh giày, Phúc thi đỗ vào đại học. Tuy nhiên, những trải nghiệm trong suốt quãng thời gian trước đã thôi thúc anh phải làm điều gì đó để thay đổi cuộc sống của những lao động đường phố, những người yếu thế.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường chăm sóc đồ da ở Việt Nam, năm 2018, Nguyễn Văn Phúc cùng một người bạn sáng lập ra Bệnh viện đồ da.

Bệnh viện đồ da chuyên cung cấp dịch vụ spa, phục chế sofa bằng dung dịch nhập khẩu có nguồn gốc thảo mộc. Nguyễn Văn Phúc khẳng định Bệnh viện đồ da có thể xử lý được các vết rạn, nứt trên da, phục hồi nguyên trạng mà không cần thay thế.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đón các lao động đường phố về làm cùng. Tại đây, các lao động không chỉ học về phục chế đồ da, đồ hiệu, may, bọc sofa, mà còn được học kỹ năng thuyết trình để rèn luyện khả năng đứng trước đám đông.

Sau khoảng 6-9 tháng đào tạo, học viên có thể may sofa thành thạo và làm việc tại Bệnh viện đồ da, hoặc được giới thiệu tới các cơ sở khác.

Nguyễn Văn Phúc cho biết, đơn vị hoàn toàn thuần túy là đào tạo, cung cấp nơi ở và giới thiệu việc làm cho người yếu thế, đánh giày. Ngoài ra, startup này cũng hỗ trợ nhân viên về vốn và kỹ thuật để các bạn tự làm chủ với điều kiện phải cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ những người yếu thế khác.

Nguyễn Văn Phúc - nhà đồng sáng lập Bệnh viện đồ da - Ảnh: ST

Nguyễn Văn Phúc - nhà đồng sáng lập Bệnh viện đồ da - Ảnh: ST

Sau hơn 5 năm, Bệnh viện đồ da đã giúp gần 30 lao động bước ra khỏi vùng tối của bản thân, có công việc ổn định và nhận mức lương từ 9-15 triệu đồng mỗi tháng.

Mong muốn mở thêm cơ sở mới để có thể giúp đỡ được nhiều hơn những người yếu thế tại TP. HCM, Nguyễn Văn Phúc đến Shark Tank Việt Nam huy động 500 triệu đồng đổi lấy 8% cổ phần.

Ngoài ra, anh tiết lộ sau khi cơ sở ở TP. HCM ổn định sẽ tiếp tục mở thêm tại các tỉnh thành khác với mong muốn "ở đâu có người yếu thế, ở đó có Bệnh viện đồ da".

Bị thuyết phục bởi startup, Shark Nguyễn Phi Vân đồng ý đầu tư 500 triệu cho 8% cổ phần với điều kiện Bệnh viện đồ da phải là một doanh nghiệp xã hội, bởi bà sẽ không nhận lợi nhuận từ thương vụ này.

Bà cũng gợi ý hai mô hình kinh doanh mà startup có thể theo đuổi là mô hình nhượng quyền vi mô dành cho những tổ chức xã hội, và mô hình nhượng quyền công việc cho những người yếu thế có thể tự làm chủ.

Đồng ý đầu tư cho Bệnh viện Đồ Da 500 triệu cho 8% cổ phần, Shark Hưng cho biết, Quỹ Columbus Startup Venture mà ông làm đại diện có một tỷ lệ vốn nhất định để đầu tư cho các startup có ý nghĩa xã hội, cộng đồng.

Tuy không nhận cổ tức, nhưng điều kiện mà Shark Hưng đưa ra là được kiểm soát hiệu quả hoạt động đầu tư nhằm đảm bảo startup có thể hoàn vốn trong 2 năm và tái đầu tư cho cơ sở mới.

Nêu quan điểm làm kinh tế tốt mới có thể giúp đỡ được nhiều người, Shark Thái đề nghị đầu tư 500 triệu cho 8% với điều kiện được hoàn vốn sau 3 năm. Bên cạnh đó, Shark Thái cũng ngỏ ý sẽ hỗ trợ startup bán hàng trên các nền tảng và hệ sinh thái sẵn có.

Bệnh viện đồ da đã giúp gần 30 bạn bước ra khỏi vùng tối của bản thân - Ảnh: ST

Bệnh viện đồ da đã giúp gần 30 bạn bước ra khỏi vùng tối của bản thân - Ảnh: ST

Bày tỏ sự ấn tượng, Shark Minh Beta cho biết: "Bạn không quá đao to búa lớn với những con số, hay tham vọng để mở rộng nhanh, nhiều, mạnh. Sức người luôn có hạn, mình không thể nào giải cứu cả thế giới. Làm thế nào để từng việc mình chạm đến nó thực sự có ý nghĩa và sâu sắc, điều đấy quan trọng hơn".

Không chỉ đầu tư 500 triệu đồng đổi lấy 8% cổ phần, Shark Minh Beta còn rút vé vàng trị giá 500 triệu tặng thêm cho Bệnh viện đồ da. Đồng thời, Chủ tịch Beta Group cũng mời Shark Hưng, Shark Phi Vân, Shark Thái tham gia vào thương vụ này.

Chấp nhận đề nghị đầu tư 500 triệu cho 8% cổ phần của Shark Minh và 3 Shark còn lại, Nguyễn Văn Phúc xúc động chia sẻ: "Không có điều gì tuyệt vời hơn khi em có thêm sự đồng hành của 3 Shark nữa".

Về phía Shark Bình, ông cho biết sẽ đầu tư cho Bệnh viện đồ da ở giai đoạn sau, khi startup cần nhiều vốn để nhân rộng hơn mô hình kinh doanh của mình.

Tuy vậy, với sự đồng hành của Shark Minh Beta, Shark Hưng, Shark Phi Vân, Shark Thái, Bệnh viện đồ da hứa hẹn có thêm nhiều nguồn lực mới để tiếp tục theo đuổi sứ mệnh là điểm tựa của những người yếu thế trong xã hội.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tu-tuoi-tho-danh-giay-den-ong-chu-benh-vien-do-da-d36406.html