Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở Bác - một trong những tố chất quan trọng bậc nhất sáng ngời là tư tưởng nhân văn, thể hiện rõ nét trong bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945.

Ngày 28/8/1945, trên căn gác hai của nhà số 48, Hàng Ngang (Hà Nội), Bác Hồ bắt đầu dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau này, Bác nói: “Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình”. Tuyên ngôn Độc lập đó chính là một “Nam Quốc Sơn Hà”, một “Bình Ngô đại cáo” của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945 không chỉ có ý nghĩa đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.

“Bởi thế, cho nên chúng tôi, lâm thời Chính phủ nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 đã đánh dấu mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc, độc lập và tự do dân chủ cho nhân dân. Mọi người được bình đẳng, bác ái, được sống, tự do và tìm được hạnh phúc, đó là những từ ngữ đẹp với nội hàm chất chứa những nội dung nhân văn lớn và sâu sắc mà hàng triệu triệu người mong đợi.

Đường phố ở TP.Quảng Ngãi trang hoàng cờ hoa trong những ngày lễ lớn. Ảnh: Võ Văn

Tuyên ngôn Độc lập 2/9 được bắt đầu với tư tưởng nhân văn dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1).

Kế tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trích bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách đanh thép: “Đó là những lẽ phải không ai chối cải được”. Lẽ ra, lẽ phải ấy được ghi đậm nét, rành rõ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ, trong Tuyên ngôn Dân quyền, Nhân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái với nhân đạo và chính nghĩa”.

Theo tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, một Nhà nước ra đời trước hết là đảm bảo tính lập hiến, cho nên ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đã đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một trong sáu vấn đề cấp bách hơn cả của chính quyền cách mạng là: “Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Để rồi sau đó, ngày 6/1/1946, tất cả công dân Việt Nam, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... từ 18 tuổi trở lên đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội- cơ quan quyền lực tối cao có quyền lập hiến, lập pháp.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thảo luận dân chủ và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đầu tiên ở Đông Nam Á, làm nền tảng pháp lý vững chắc, luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới với chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đây là đạo luật đầu tiên khẳng định “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể chia cắt” (Điều 2 Hiến pháp năm 1946). “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam...” (Điều 1 Hiến pháp năm 1946).

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Bác nói: “...nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Do vậy, ngay trong những năm tháng đầy thử thách, gian nan như “nghìn cân treo sợi tóc”, Bác thường sử dụng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để làm phương châm chỉ đạo cách mạng. Cụm từ “bất biến” theo Bác đó là “lòng dân”. Từ “lòng dân” là chúng ta có mọi lực lượng, sức mạnh để “ứng vạn biến”! Và thực hiện tư tưởng của Người, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đã tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và Mỹ giành lại thống nhất đất nước.

Đã 76 năm trôi qua, tư tưởng nhân văn, tư tưởng vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9 trở thành sức mạnh trí tuệ, đến ngay những kẻ thù thực dân xâm lược cũng phải tôn kính, thuyết phục; tranh thủ được sự đồng tình của các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, về với cội nguồn dân tộc, với lẽ sống cao đẹp của Người. Hơn thế nữa, với tố chất nhân văn Hồ Chí Minh đã giúp Bác tập hợp và lập ra Nhà nước gồm những nhà trí thức trên nhiều lĩnh vực của quốc gia lúc bấy giờ. Đây chính là sự tỏa sáng của lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc, lòng yêu nước thương dân, niềm khát khao độc lập, tự do của cả dân tộc. Như tác giả Trần Vũ đã viết: “Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh mang lại cho nhân dân niềm tin vào lý tưởng cao đẹp của cách mạng, tin vào Đảng, tin vào chế độ xã hội, đồng thời tư tưởng nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân, vào sự sáng tạo vô bờ của quần chúng...”.

Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ chân lý chính nghĩa, pháp lý đanh thép và đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam giành độc lập, tự do. Dưới ánh sáng của Tuyên ngôn Độc lập đã khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

NGUYỄN THANH HOÀNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202109/tu-tuong-nhan-van-ho-chi-minh-trong-tuyen-ngon-doc-lap-29-3076805/