Tuần phủ Phạm Khắc Thân tâu bày phòng thủ biên viễn giữ yên bờ cõi

Từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi, tình hình an ninh trật tự dọc biên giới nước ta với Trung Quốc diễn biến khá phức tạp. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc chống lại triều đình Mãn Thanh bị thất bại đã tràn sang biên giới nước ta và phân hóa thành nhiều nhóm phỉ, tổ chức cướp bóc nhân dân dọc hai đường biên.

Đầu năm 1851, một nhóm thổ phỉ ở địa hạt nước Thanh nhân lúc đói tràn đến tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Yên. Đại thần Trương Đăng Quế tâu nói: 3 tỉnh ấy đất rộng, xa, bọn giặc kia nhân lúc sơ hở đi lại, không có tài năng gì khác. Nếu đặt nhiều đồn ngự sở thêm phiền phí. Tự Đức bèn sai quan các tỉnh ấy xét làm hoặc lượng tính đặt đồn bảo hoặc họp tập lính Thổ dựng thành từng đoàn để phòng thủ.

Đến năm 1854, bọn thổ phỉ nước Thanh lại từ bên kia biên giới tràn đến thôn Na Kiêu thuộc Cao Bằng. Tự Đức lệnh cho Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai đem quân và voi đến Cao - Lạng để trấn áp.

Để bảo vệ an ninh miền biên viễn, chống sự lấn cướp của bên ngoài, Tổng đốc Hà - Ninh là Nguyễn Đăng Giai, Tuần phủ ở Lạng - Bình là Phạm Khắc Thân nghĩ tâu 5 điều về công việc phòng thủ ngoài biên.

Liên tục trong những tháng đầu năm 1854, bọn phỉ nhà Thanh ồ ạt tràn vào tỉnh Cao Bằng, gây nên sự bất ổn trong đời sống cư dân ở đây. Dưới sự chỉ đạo của quan tỉnh phủ, các thổ hào thổ mục ở các địa phương đã tập hợp dân binh để đánh đuổi.

Thị trấn Thông Nông (Hà Quảng). Ảnh: Thế Vĩnh

Thị trấn Thông Nông (Hà Quảng). Ảnh: Thế Vĩnh

Tháng 4 năm Giáp Dần (1854), một toán giặc ở bên kia biên giới bị quan quân phủ Thái Bình (Trung Quốc) đánh dẹp phải chạy trốn. Tỉnh thần Cao Bằng dự đoán chúng sẽ tràn sang địa phận Cao Bằng, nên xin lưu lại số binh điều động thêm 500 người của tỉnh Bắc Ninh, để giúp việc trấn áp. Đầu năm 1855, bọn giặc chạy trốn sang Cao Bằng, tràn vào cướp bóc ở huyện Thượng Lang, nhưng bị quyền sung Thiên hộ là Hoàng Đình Ngạn ngăn chặn, đánh lui. Tuy nhiên, chúng vẫn tràn đến các tổng Thông Nông, Quảng Trù (châu Hà Quảng) ngang nhiên cướp phá. Quyền sung Bách hộ là Nông Kim Thạch, Nguyễn Sĩ Hinh chia nhau chặn đường đánh phá, bắt được tên đầu mục giặc là Lý Mân (tức Tăng Danh Hương) và đồng bọn đem về (Tăng Danh Hương bị xử án lăng trì rồi đem đầu bêu lên). Tiếp đó, thổ hào Vi Thượng Nghĩa, Hoàng Văn Long đánh tan bọn giặc khi chúng đến cướp bóc ở phố Ba Sơn.

Để khuyến khích, động viên quan lại, thổ hào cùng dân binh địa phương, đầu năm 1856, Tự Đức ban dụ thưởng cho thổ hào, dân dõng tổng Nghĩa Điền, huyện Thất Khê, tỉnh Cao Bằng ngân tiền có thứ bậc khác nhau. Nguyên là, trước đây toán giặc ở hạt nước Thanh chia đường kéo vào cướp đốt xã Nghĩa Điền. Thí sai Thiên hộ tổng Nghĩa Điền là Trần Đường Châu đem dân dõng đoàn luyện và những người thủ hạ chia đường đánh úp, chém được đầu giặc, cắt lấy tai, lấy được tang vật ăn cướp, nên được ban thưởng.

Đối với các quan tỉnh, phủ, huyện có công đánh bắt giặc cướp cũng được ban thưởng theo thứ bậc, trong đó viên Tri phủ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng Phạm Đình Nghi dự vào 2 lần đánh bắt và giết 61 tên giặc, được thưởng kỷ lục 2 thứ.

Hồng Viễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tuan-phu-pham-khac-than-tau-bay-phong-thu-bien-vien-giu-yen-bo-coi-3166541.html