Tuổi xuân nồng nàn với câu quan họ

Người yêu quan họ cổ vẫn truyền miệng câu ca: 'Vốn xưa quan họ Bắc Ninh/ Muốn tìm tích cũ về làng Diềm thôn'. Gió xuân phơi phới, nắng ấm chan hòa, nẻo đê sông Cầu uốn lượn, bờ bãi trải thảm cỏ xanh mịn màng dẫn lối về làng Diềm (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Đền thờ thủy tổ Vua Bà dạy hát quan họ nằm thâm nghiêm dưới cội đa già. Cũng chính tại nơi đây, tôi từng được nghe lão nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn ngồi hát canh hội xuân. Lần này tìm về cụ Bàn sức vóc có phần kém đi, may sao lớp con cháu của cụ thì ngày một mặn mà sung sức, đắm say câu quan họ cổ. Cụ giới thiệu hai đứa cháu Yến, Thu với niềm hoan hỉ mãn nguyện của tuổi già.

Đôi liền chị Trần Thị Yến (sinh năm 1983) và Trần Thị Thu (sinh năm 1986) là chị em họ. Ngay từ thuở lọt lòng, cả hai đã được nghe những câu ca quan họ của các bà, các chị trong gia đình. Lớn lên, được ngồi ké chiếu cạp điều dự những đêm hát canh tại nhà, chị em nhẩm thuộc câu hát của người đi trước. Cái duyên quan họ cứ thế ngấm dần như một lẽ tự nhiên, để rồi mới 9 tuổi, cô bé Thu đã khăn vấn, áo tứ thân thắt dải lụa điều ca câu quan họ và giành giải nhất Liên hoan tiếng hát quan họ măng non tỉnh Bắc Ninh.

 Chị hai Trần Thị Thu (ngoài cùng, bên phải) và Trần Thị Yến hát quan họ trên thuyền rồng tại hội làng Diềm.

Chị hai Trần Thị Thu (ngoài cùng, bên phải) và Trần Thị Yến hát quan họ trên thuyền rồng tại hội làng Diềm.

 Đôi liền chị quan họ Trần Thị Yến (bên trái) và Trần Thị Thu.

Đôi liền chị quan họ Trần Thị Yến (bên trái) và Trần Thị Thu.

Rồi những đêm sáng trăng, chị em ngồi trước hiên nhà nhấn nhá từng câu quan họ cổ khi thì ông ngoại, lúc là bác, là mẹ truyền dạy. Hát đôi quan họ cần sự phối hợp nhịp nhàng, có người hát chính, người hát luồn, kết hợp với nhau nhuần nhị. Do vậy, không phải cứ ghép đôi lại với nhau là hát được mà phải là những người có giọng đồng thanh, đồng khí, thêm vào đó còn phải tâm đầu ý hợp, hiểu nhau từ ánh mắt đến miệng cười.

Thật là duyên may với hai cô gái dù có chênh nhau vài tuổi nhưng giọng ca vẫn hòa quyện với nhau, nâng đỡ nương tựa để cùng vang, rền, nền, nẩy. Trời phú cho chất giọng đẹp, hai chị lại chịu khó trau dồi học ca. Thế nên năm 2010, cặp đôi Thu, Yến lần đầu tiên khăn gói trẩy hội xuân dự thi hát đối đáp quan họ cổ do tỉnh Bắc Ninh tổ chức đã đoạt giải ba. Tạm xa ánh đèn sân khấu, hai chị về làng kiên trì học hỏi, rèn giũa. Qua thời gian, đôi giọng ca ấy dần có độ lắng khiến người nghe càng đắm, mà ngắm càng say. Năm 2017, hai chị quay trở lại hội thi hát 50 câu quan họ và đã đoạt giải nhì. Sang năm 2018, niềm vui trọn vẹn khi cặp đôi hát đối đáp xuất sắc giành giải nhất, đem niềm vinh dự về với làng Diềm.

Tôi rất ấn tượng với đôi liền chị hai Trần Thị Yến và Trần Thị Thu, người óng ả như thân lúa đầu mùa mà giọng hát thì nền nã vang xa. Thuộc lớp người trẻ trong làng nhưng chị Yến, chị Thu lại có tình yêu tha thiết với vốn quan họ cổ. Tình yêu ấy được bồi đắp nuôi dưỡng qua năm tháng đã ngấm sâu vào mạch sống tâm hồn. Khi hỏi về những thành công bước đầu, hai chị đều khiêm tốn cho rằng, học hát quan họ không phải để đi thi lấy giải. Dự hội thi là dịp bằng hữu giao lưu, tứ hải giao tình để học lề lối đối đáp, làm đẹp thêm nét duyên đậm đà, cái tình hữu hảo của người quan họ. Vốn quý cha ông để lại vô cùng phong phú, phải dành cả đời cần mẫn trau dồi mới mong lĩnh hội được phần nào cái hay, cái đẹp của quan họ cổ.

E ấp nâng chiếc nón quai thao, khuôn mặt búp sen của chị hai Trần Thị Yến thêm ửng hồng dưới vành khăn mỏ quạ. Chị Yến tâm sự: “Hát quan họ cổ như thân tằm nhọc nhằn rút ruột nhả tơ, cũng phải kiên gan bền chí lắm mới có thể theo được. Nhiều người hiện nay thức thời mải miết chạy theo nhạc trẻ, hay hát quan họ cải biên đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng những thứ đó chỉ như phù vân nay nổi mai chìm. Quan họ cổ là gốc gác, là cội nguồn, còn người quan họ thì còn lời ca”.

Khi tuổi đời đương phơi phới sức xuân, đôi liền chị chẳng quản nhọc nhằn bền bỉ chọn hát câu ca quan họ cổ với một tình yêu đằm thắm nồng nàn. Cứ hễ rảnh rang là hai chị lại lặn lội khắp ngõ trên, xóm dưới tìm gặp các lão nghệ nhân, như: Nguyễn Thị Bàn, Nguyễn Thị Trạch, lớp liền chị trung niên, như: Nguyễn Thị Sang, Nguyễn Thị Thềm để học từng câu quan họ cổ. Biết bao đêm ngồi bên các nghệ nhân, đôi liền chị say sưa học hát từ giọng lề lối sang giọng vặt cho đến giã bạn, rồi lại miệt mài luyện ca sao cho đạt đến độ giọng rung, hạt nẩy, tuy nền nã mà vẫn vang xa.

Trực tiếp hướng dẫn hai chị em Yến và Thu từng câu ca, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm chia sẻ: “Được cả thanh lẫn sắc, hai em tiếp thu nhanh lề lối đối đáp, trình diễn cuốn hút lòng người. Điều đáng ghi nhận ở hai em là tuy còn trẻ nhưng chịu khó trau dồi lời ca, điệu cổ mà không sa đà chạy theo thị hiếu công chúng hát một cách dễ dãi ồn ào, có ý thức trong gìn giữ hình ảnh duyên dáng, nét đẹp của người quan họ”.

Trân quý những giá trị truyền thống của quê hương, cặp liền chị Trần Thị Thu và Trần Thị Yến đang âm thầm học hỏi, gìn giữ những câu quan họ cổ. Đây là những thế hệ kế cận tiếp nối các bậc tiền nhân giúp cho mạch nguồn dân ca quan họ còn chảy mãi.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tuoi-xuan-nong-nan-voi-cau-quan-ho-612618