Tuyển sinh năm 2023: Bộ GD&ĐT lưu ý về công tác xử lý rủi ro
Điểm mới thí sinh cần đặc biệt lưu ý, năm nay, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển ngắn hơn - trong vòng 20 ngày - thay vì một tháng như năm trước.
Tuyển sinh 2023: Liệu có “tấm vé” thông hành?
Chia sẻ xoay quanh đến Kỳ tuyển sinh 2023, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Kỳ thi tốt nghiệp THPT dù không mang mục đích “2 trong 1” nhưng kết quả vẫn đảm bảo tính công bằng, đánh giá chung chất lượng học sinh cả nước. Đây là thước đo để các trường cạnh tranh nguồn tuyển đầu vào.
“Đặt giả thiết, nếu mỗi trường tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng thì sẽ khó quản lý về chất lượng và tốn kém cho đơn vị và thí sinh, gây khó khăn trong việc di chuyển, ôn luyện, tham gia làm bài thi. Do vậy, điểm thi THPT vẫn là cách thức tốt để các trường xác định nguồn tuyển đầu vào ít nhất trong giai đoạn vài năm tới”, TS Lê Viết Khuyến trao đổi. Đồng thời, ông mong muốn, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay phân hóa tốt hơn để các trường yên tâm tuyển sinh và đánh giá đúng chất lượng thí sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khuyến nghị, với những ngành có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực chuyên biệt, Bộ khuyến khích các trường tổ chức kỳ thi bổ sung hoặc có phương pháp, phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo tính phân loại cao, đánh giá năng lực chuyên biệt tốt hơn. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo đã thông báo xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực; đánh giá tư duy; xét tuyển kết hợp…
Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Các chuyên gia và giáo viên THPT lưu ý, thời điểm này, thí sinh cần tập trung cao độ cho học tập, ôn thi tốt nghiệp THPT, để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
TS Phan Đức Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh: Kết quả cao, đồng nghĩa các em sẽ có cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học theo nguyện vọng mà mình đăng ký xét tuyển.
“Cần nhìn nhận, tốt nghiệp THPT có ý nghĩa quan trọng, là “tấm vé” thông hành để các em đủ điều kiện vào đại học. Do đó, thí sinh cần có thái độ học tập nghiêm túc, tuyệt đối không lơ là, chủ quan”, TS Phan Đức Tuấn khuyến cáo.
Bộ GD&ĐT lưu ý về công tác xử lý rủi ro trong tuyển sinh năm 2023. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học cần triệt để thực hiện nguyên tắc theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Công tác xử lý rủi ro phải được công bố trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, cần có biện pháp khắc phục tình trạng thí sinh không đủ điều kiện sức khỏe, không đảm bảo về lý lịch chính trị không được nhập học đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang. Cơ sở đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm và phối hợp với các trường liên quan giải quyết các rủi ro (nếu có).
Điểm mới thí sinh cần đặc biệt lưu ý, năm nay, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển ngắn hơn - trong vòng 20 ngày - thay vì một tháng như năm trước.
Cụ thể, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển cần nộp hồ sơ trước 17h ngày 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước 17h ngày 15/8.
Thí sinh không nhất thiết phải tham dự quá nhiều kỳ thi riêng
Mùa tuyển sinh năm 2023, có hơn 10 đơn vị thông báo sẽ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy,...(kỳ thi riêng) để tuyển sinh đại học. Hàng trăm trường đại học sẽ lấy kết quả này để xét tuyển nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhận định, việc tổ chức các kỳ thi riêng là cơ hội để các trường tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học. Phía người học, đăng ký tham dự các kỳ thi độc lập sẽ làm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác.
Tuy nhiên, để được tổ chức kỳ thi độc lập, các cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng các quy định tại quy chế tuyển sinh hiện hành.
Với sự ra tăng của các kỳ thi riêng, không ít thí sinh tỏ ra bối rối trong quá trình lựa chọn. Về vấn đề này, bà Thủy khuyến cáo, thí sinh chỉ nên lựa chọn và tham gia từ 1 - 2 kỳ thi riêng.
"Mục đích và yêu cầu của mỗi kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau.
Do đó, thí sinh không nên đăng kí nhiều kỳ thi riêng vì có thể không đúng với định hướng khi xét tuyển", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, hiện nay, hầu hết các trường, các ngành đều có chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nếu các em tập trung toàn lực thi thật tốt kỳ thi thì sẽ có cơ hội rất lớn trúng tuyển vào nguyện vọng mong muốn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đặc biệt lưu ý thí sinh điểm thi THPT rất quan trọng và hầu hết trường đại học đều có chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
“Năm 2022, trong khoảng 20 phương thức xét tuyển, tỷ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao nhất”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Trúc Chi (theo Zing, Giáo Dục và Thời Đại)