Ðưa chỉ tiêu không đốt rơm vào tiêu chí nông thôn mới
Tại Hồng Kông, Singapore, hoạt động đốt ngoài trời bị cấm từ lâu vì là nguồn gây phát thải chất gây ô nhiễm. Việt Nam cần có quy định nghiêm cấm hoạt động đốt ngoài trời như đốt rác, đốt rơm rạ.
Theo TS Tùng, để giảm thiểu ô nhiễm không khí Hà Nội cần lộ trình dài với nhiều nhóm giải pháp liên quan nhiều lĩnh vực như giao thông, xây dựng, sinh hoạt, công nghiệp. Có giải pháp có thể triển khai ngay, có giải pháp cần lộ trình.
Đốt rơm rạ cũng như đốt rác và các hoạt động đốt ngoài trời khác phát sinh một lượng lớn bụi mịn PM2.5 và nhiều chất gây ô nhiễm khác. Ông Tùng lấy ví dụ, những ngày qua, vào buổi sáng và chiều tối, các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên còn ô nhiễm hơn nội đô Hà Nội, nhiều điểm lên ngưỡng tím (AQI trên 200) là do đốt rơm rạ. Hay tại điểm đo Bát Tràng (Gia Lâm) thường xuyên có chỉ số ô nhiễm cao hơn hẳn nội đô, có thể liên quan đến hoạt động đốt.
Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 55.000 bếp than tổ ong phục vụ đun nấu. Đây cũng là nguyên nhân gia tăng ô nhiễm. Vì vậy, lộ trình cấm bếp than tổ ong đã có, Hà Nội cần triển khai nhanh, mạnh, có thể sớm hơn so với lộ trình đặt ra ban đầu. Về đốt rơm rạ, cần đưa thành một chỉ tiêu trong các tiêu chí nông thôn mới để địa phương tăng trách nhiệm trong quản lý đốt rơm rạ sau thu hoạch.
TS Lý Bích Thủy: Huy động nguồn lực chống ô nhiễm
TS Thủy hiện làm ở Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). TS Thủy nói: Hiện nay, có nhiều người muốn đóng góp vào việc cải thiện chất lượng không khí. Nhưng nếu mỗi người hành động đơn lẻ chỉ mang lại hiệu quả hạn chế vì ô nhiễm không khí là vấn đề rất khó giải quyết và rất tốn kém. Vì thế, thay vì hành động đơn lẻ, mọi người có thể góp các nguồn lực lại để thực hiện các hành động hiệu quả.
Ví dụ, vấn đề đốt rơm có thể được giải quyết với sự hỗ trợ của cộng đồng. Có thể di dời các nhà máy ra khỏi thành phố và làm công viên đồng thời tài trợ các nghiên cứu về ô nhiễm không khí để tạo ra thông tin, kiến thức về ô nhiễm không khí, góp phần phòng chống ô nhiễm có hiệu quả.