Ứng dụng cảm biến trong chống ngập tại TP Hồ Chí Minh

Từ ngày 27 đến 28-8, tại TP Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học vật liệu quốc gia Nhật Bản và Hiệp hội Cơ khí chính xác Nhật Bản đã phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ ba về công nghệ vi cơ điện tử và hệ thống cảm biến với chủ đề 'Vi cơ điện tử và vật liệu nano'.

Ký kết hợp tác, nghiên cứu phát triển vật liệu nano và công nghệ MEMS.

Ký kết hợp tác, nghiên cứu phát triển vật liệu nano và công nghệ MEMS.

Tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP Labs) Ngô Võ Kế Thành cho biết, tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về vi cơ điện tử (MEMS) năm 2017, SHTP Labs đã tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sản xuất cảm biến áp suất từ Nhật Bản để đo mực nước tại các điểm ngập trên địa bàn thành phố. Qua nghiên cứu, đơn vị đã đưa cảm biến này lắp đặt tại hơn 10 điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt. Sau khi đánh giá kết quả thí điểm, SHTP Labs sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành lắp đặt tại khoảng 80 điểm ngập trong toàn thành phố. Đây là một trong những công tác cùng thành phố triển khai hoàn thành bảy chương trình đột phá, trong đó có công tác giảm ngập đề ra tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Bên cạnh đó, các đại biểu tại hội nghị cũng thảo luận, trao đổi về các ứng dụng cảm biến trong nhiều lĩnh vực khác như: cảm biến biến dạng. Đây là ứng dụng mà SHTP Labs sẽ thử nghiệm tại một cây cầu của thành phố vào năm 2020 để đánh giá tác động về thay đổi kết cấu, chất lượng của công trình. Ngoài ra, SHTP Labs và các đơn vị nghiên cứu của Nhật Bản đang nghiên cứu phát triển cảm biến khí để phát hiện khí, đánh giá mùi trong ngành thực phẩm, phát triển các sản phẩm phục vụ trong điện tử như keo tản nhiệt, vật liệu mới làm ra chip điện tử ứng dụng trong ngành thực phẩm, môi trường, công nghiệp.

Hiện nay, cảm biến nhiệt độ và độ ẩm ứng dụng trong nông nghiệp, môi trường,… do SHTP Labs nghiên cứu, sản xuất đã được thương mại với doanh thu từ 5-7 tỷ đồng/năm. SHTB Labs cũng đang tập trung nghiên cứu, sản xuất cảm biến đo độ pH theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Đức, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Australia, Việt Nam,… đã trình bày nhiều nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng vi cơ điện tử (MEMS) và vật liệu nano để xây dựng thành phố an toàn, thân thiện và các công nghệ mới liên quan.

Tại hội nghị, SHTB Labs đã ký kết hợp tác với Trung tâm Công nghiệp thuộc Viện CISRO của Australia về việc hợp tác phát triển các vật liệu nano ứng dụng trong cảm biến và y sinh, trong đó có sản phẩm van tim nhân tạo từ các vật liệu nano mà Australia đang nghiên cứu. Đồng thời, SHTP Labs cũng ký kết hợp tác với Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm gắn kết, nghiên cứu và phát triển công nghệ MEMS và đào tạo nguồn nhân lực.

Theo NDĐT

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/khoa-hoc/cong-nghe/ung-dung-cam-bien-trong-chong-ngap-tai-tp-ho-chi-minh-122104.html