Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hòa giải ở cơ sở
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, UBND huyện Thanh Oai, Hà Nội đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung nguồn lực thực hiện Đề án: 'Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở' trên địa bàn huyện Thanh Oai giai đoạn 2024-2030.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, hiện nay, trên địa bàn huyện có 132 tổ hòa giải cơ sở với hơn 1.100 hòa giải viên. Hàng năm, hòa giải trên 400 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 90%. Huyện Thanh Oai tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và các mô hình, cách làm có hiệu quả về hòa giải ở cơ sở. Tích cực tuyên truyền việc thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án.
Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải, quan tâm đến các lĩnh vực dễ phát sinh mâu thuẫn tranh chấp như: quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng đô thị... nhằm hạn chế phát sinh mâu thuẫn.
Phát huy hơn nữa sự phối hợp giữa tổ hòa giải với Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư, các tổ chức đoàn thể Nhân dân, tổ dân phố trong việc theo dõi, nắm bắt dư luận Nhân dân nhằm chủ động giải quyết kịp thời, triệt để các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở.
UBND huyện Thanh Oai yêu cầu UBND các xã và thị trấn đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, các văn bản của TP, huyện về công tác hòa giải nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này. Từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tại cộng đồng thông qua hòa giải ở cơ sở.
Tiếp tục chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Đảm bảo mỗi một thôn, tổ dân phố có ít nhất một tổ hòa giải; vận động giới thiệu những người đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật nay đã nghỉ hưu, đang sinh sống tại địa bàn tham gia hoặc ứng cử bầu hòa giải viên ở cơ sở.
Cùng với đó, huy động lực lượng công an, vận động người đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật, đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và đang sinh sống tại địa bàn, người có uy tín tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở.
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, lồng ghép kỹ năng dân vận khéo trong hòa giải ở cơ sở để nâng cao trình độ, năng lực của hòa giải viên nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh ngày càng nhiều, đa dạng, phức tạp.
Đặc biệt, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở như thành lập nhóm zalo, facebook... để trao đổi, thảo luận kiến thức, nghiệp vụ, kinh nghiệm giữa tập huấn viên với hòa giải viên và giữa các hòa giải viên; tiếp nhận, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình hòa giải của hòa giải viên.
Lãnh đạo UBND huyện cũng cho biết, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt quan tâm bố trí đủ nguồn kinh phí chi thù lao vụ việc hòa giải cho hòa giải viên tại địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND ngày 2/7/2044 của HĐND TP Hà Nội quy định mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở…
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL vận động, thuyết phục Nhân dân hạn chế phát sinh mâu thuẫn.
UBND huyện Thanh Oai cũng đề nghị UBMTTQ huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện thực hiện tốt chức năng giám sát, hướng dẫn, phối hợp thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP về hòa giải ở cơ sở nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở.