Hiện nay, trong Binh chủng Pháo binh Việt Nam, bên cạnh các loại hỏa khí truyền thống – pháo xe kéo, pháo tự hành, các chiến sĩ pháo binh còn được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo Scud do Liên Xô (cũ) sản xuất. Đây là loại hỏa lực có sức tấn công cực kỳ khủng khiếp, tầm bắn rất xa tới hàng trăm km, độ chính xác tương đối với đối tượng mục tiêu giá trị cao, tầm chiến lược. Ảnh: QĐND
Theo tài liệu “Scud Ballistic Miss and Launch System 1955-2005” (công ty xuất bản sách Osprey Publishing có trụ sở tại Oxford, Anh), năm 1979 Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 12 xe phóng cùng số lượng nhỏ tên lửa đạn đạo Scud biên chế đủ cho một lữ đoàn. Ảnh: QĐND
Hiện nay, đơn vị trực tiếp vận hành tổ hợp tên lửa đạn đạo Scud trong QĐND Việt Nam là “Đoàn pháo binh B90” – được thành lập vào ngày 24/5/1982 theo Quyết định số 709/QĐ-QP của BQP trên cơ sở tiếp nhận các khí tài tên lửa mặt đất loại 9K72 Elbrus (Scud-B) của Liên Xô. Ảnh: QPVN
Lưu ý về cái tên Scud, đây là định danh của NATO dành cho hai dòng tên lửa đạn đạo R-11 và R-17 của Liên Xô (R-11 được NATO định danh là Scud A còn R-17 được gọi là Scud B). Trong đó, loại R-11 ra đời vào đầu những năm 1950, còn R-17 là thế hệ cải tiến thay thế R-11 ra đời năm 1958. Ảnh: QĐND
Loại tên lửa đạn đạo mà Việt Nam nhận viện trợ là loại R-17 (Scud B). Nhưng R-17 chỉ là một thành phần trong cả hệ thống tên lửa mà nước ta nhận. Tên đầy đủ của hệ thống này là “hệ thống tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật 9K72 Elbrus”. Đây là tên rất ít khi được biết đến trên các phương tiện truyền thông phương Tây, hầu như người ta chỉ gọi chung nó là Scud. Ảnh: QPVN
Tên lửa R-17 (Scud B) có chiều dài 11,25m, đường kính thân 0,88m, trọng lượng phóng 5,9 tấn, trang bị đầu đạn thuốc nổ nặng 1 tấn (ước tính với tốc độ va chạm 1,4km/s sẽ tạo ra hố sâu 1,5-4m, rộng 12m), tầm bắn cực đại (với phiên bản xuất khẩu) là từ 290-300km. Ảnh: QPVN
Đạn tên lửa R-17 (Scud B) được đặt trên bệ phóng di động 9P117 Uragan – được thiết kế dựa trên khung gầm cơ sở xe vận tải hạng nặng MAZ-543. Ảnh: QPVN
Xe phóng 9P117M được thiết kế cho việc chuyên chở đạn trực chiến đấu, phục vụ công tác chuẩn bị phóng và phóng đạn. Ngoài ra, nó còn có thêm một số chức năng khác, ví dụ như: Kiểm tra tình trạng đạn và các thiết bị phục vụ công tác phóng đạn; Cấp nhiên liệu và khí nén cho đạn; Thu hồi đạn từ trạng thái chiến đấu khi không phóng đạn hoặc đạn hỏng. Ảnh: QPVN
Trong ảnh, nhìn về phía bên trái có một cabin nhỏ - nơi đặt buồng điều khiển chuẩn bị phóng của SPU 9P117M. Ngoài ra, trên xe còn bố trí hộp điều khiển phóng từ xa thay vì phải ngồi trong xe để khởi động tên lửa. Nguồn ảnh: Kênh QPVN
Chiến sĩ đang thực hiện một số thao tác trong công tắc điều khiển 4 bình khí nén của bệ phóng tên lửa Scud. Nguồn ảnh: Kênh QPVN
Cận cảnh khung nâng đạn của bệ phóng 9P117 – khí tài này có nhiệm vụ đỡ giữ đạn trong tư thế hành quân và nâng dựng đạn đứng thẳng trên bệ phóng trong tư thế chiến đấu. Ảnh: QPVN
Xe vận tải siêu nặng MAZ-543 trang bị động cơ diesel 525hp cho phép đạt tốc độ tối đa 60km/h, dự trữ hành trình 600km, có thể lội nước sâu 1,3m mà không cần chuẩn bị. Ảnh: QPVN
Theo Hoàng Lê/Kiến thức
Theo Hoàng Lê/Kiến thức