Vãn cảnh chùa trở thành điểm nhấn du lịch ở Hà Nam

Trong hai ngày 17 và 18-10-2024, tỉnh Hà Nam tổ chức Chương trình 'Khảo sát giới thiệu sản phẩm du lịch' và Hội nghị 'Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2024'.

Hà Nam nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2024” vào ngày 18-10, bà Lê Thị Thủy - Bí Thư tỉnh ủy tỉnh Hà Nam cho biết Hà Nam là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi. Hà Nam có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, đa dạng về địa hình, địa mạo, nên có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: du lịch chùa chiền, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái…

Theo bà Thủy, hiện nay ở Hà Nam có hơn 200 cơ sở lưu trú với tổng số gần 4.000 phòng phục vụ khách du lịch. Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nam đã hình thành như: Du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội với các điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, chiêm bái như: Chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Phật Quang, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang…; lễ hội Tịch điền, lễ phát lương đền Trần Thương…

Bà Lê Thị Thủy cho hay năm 2023, Hà Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, 9 tháng đầu năm 2024, Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách. “Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách, liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024 Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới và điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”, bà Thủy khẳng định.

Bà Trần Nguyện - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World cho rằng tỉnh Hà Nam là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái khi sở hữu hàng ngàn di tích lịch sử, nhiều thắng cảnh và làng nghề truyền thống nổi tiếng. Tuy nhiên, bà Nguyện chỉ ra rằng du lịch tại tỉnh Hà Nam chưa tạo được nét độc đáo riêng có, chưa có quy hoạch du lịch bài bản và sự kết nối giữa các điểm đến để tạo thành hệ sinh thái du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.

“Hiện giao thông nội tỉnh hiện có bất lợi cho phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch ở Hà Nam chưa đồng đều, vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là các nhà hàng quy mô lớn để phục vụ các đoàn khách lớn, thiếu các điểm vui chơi giải trí. Trong khi các làng nghề truyền thống mới chỉ tập trung sản xuất phục vụ thương mại chứ chưa quan tâm đầu tư dịch vụ và trải nghiệm cho du khách. Do đó, du khách đến đây chủ yếu chỉ trong ngày”, bà Nguyện chia sẻ.

Đại diện của Sun Group cũng cho biết, trong thời gian sắp tới, tập đoàn này cũng sẽ triển khai dự án công viên lễ hội với quy mô 8,9ha tại Hà Nam mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa dân tộc.

Nhiều ngôi chùa trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Trước đó, vào ngày 17-10-2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch. Chương trình có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Điểm đến đầu tiên của đoàn khảo sát là chùa Cây Thị (tịnh viện Di Đà) tọa lạc thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, H.Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Từ hai năm trở lại đây, một tour du lịch đang rất “hot” ở miền Bắc, được các hãng du lịch khai thác, đó là tour vãn cảnh 3 ngôi chùa ở Hà Nam, gồm: chùa Cây Thị, chùa Địa Tạng Phi Lai và chùa Phật Quang. Tour này, du khách từ Hà Nội thường đi về trong ngày. Đây là 3 ngôi chùa có cảnh quan đẹp, chụp ảnh check-in đẹp đến độ “buốt mắt”, nên giới trẻ rất yêu thích.

Chùa Cây Thị (còn có tên khác là tịnh viện Di Đà) tọa lạc thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 70km. Chùa nằm trên lưng chừng núi, hai bên là dãy núi có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ. Chùa nằm cách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Đại đức Thích Huệ Hạnh, Ủy viên Thường trực Phân ban Chuyên nghiệp Phật tử T.Ư, trụ trì chùa Cây Thị cho biết, từ xa xưa nơi đây đã từng có vua đi qua và dừng nghỉ tại chùa nên được gọi là “chùa Khoa núi Ngụ”. Tuy nhiên, trải qua năm tháng, ngôi chùa cổ đã bị xuống cấp. Tháng 12-2019, chùa Cây Thị được kiến thiết tôn tạo, phục hồi và xây dựng. Sở dĩ có tên Cây Thị vì cạnh ngôi chùa cổ là cây thị với niên đại hàng trăm năm.

Tại chùa Cây Thị, từ bãi đá trắng, du khách sẽ lên cổng ngũ quan để chiêm bái tôn tượng Phật Tổ cao 2,5m, sau lưng Ngài là ngôi chùa cổ. Từ ngoài nhìn vào, bên trái chùa cổ là điện thờ Tôn giả A Nan, bên phải là Tôn giả Ca Diếp. Tiến vào bên trong gần vách núi bên trái là điện thờ Bồ-tát Địa Tạng, phải là Bồ-tát Quán Thế Âm, cạnh chân chùa là tháp Tổ. Phía bên dưới là khu giảng đường, khu nhà nghỉ, nhà bếp, thư viện, văn phòng để phục vụ cho các hoạt động và khóa tu, có sức chứa lên đến hàng trăm người. Chùa Cây Thị còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, nơi trải nghiệm cuộc sống, hướng con người đến với những giá trị cơ bản nhất của đạo Phật, mang lại sự thanh tịnh và thoải mái trong tâm hồn.

Chiều 17-10, đoàn khảo sát đến Khu du lịch tâm linh Tam Chúc, thưởng thức “Trà chiều du thuyền” trên lòng hồ Lục Nhạc. Đoàn du thuyền lên chùa Tam Chúc, trải nghiệm chương trình Thiền Chuông, dâng hương tại điện Tam Thế. Buổi tối, các đại biểu tham gia tọa đàm “Kết nối toàn diện sản phẩm Tam Chúc 2024-2025”.

Bùi Hoài - Chu Khôi/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/van-canh-chua-tro-thanh-diem-nhan-du-lich-o-ha-nam-post73676.html