Văn hóa lễ hội - mạch nguồn xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
Một trong những 'không gian' để nét đẹp của người Hà Nội được thể hiện rõ nhất chính là lễ hội. Người Hà Nội có văn minh, thanh lịch hay không, phần nào đó thể hiện ở cách họ ứng xử với văn hóa dân gian truyền thống. Báo Lao động Thủ đô có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
PV: Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, trong đó nội dung của Chỉ thị nêu rõ, lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Xin ông cho biết mối liên quan giữa văn hóa ứng xử của người Hà Nội và văn hóa dân gian?
Ông Phùng Hoàng Anh: Hà Nội được xem là nơi có nhiều lễ hội nhất so với các địa phương khác. Hằng năm, Thủ đô có trên 1 nghìn lễ hội được diễn ra trong tổng số gần 8 nghìn lễ hội của cả nước. Cùng với các lễ hội ở Việt Nam, những lễ hội ở Hà Nội đều mang đến những giá trị tinh thần to lớn cho người dân Thủ đô và du khách. Các hoạt động trong lễ hội Hà Nội đều gắn liền với quá trình phát triển của xã hội, góp phần giữ gìn truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh của cộng đồng và dân tộc.
Lễ hội là nơi tụ họp, tụ hội rất nhiều thành viên trong và ngoài cộng đồng cùng tham dự, trong đó có sự ứng xử của các nhóm người với những xu hướng, tâm lý, hành vi khác nhau. Câu hỏi đặt ra là, nếu tham gia lễ hội các thành viên có văn hóa ứng xử tốt thì sinh hoạt lễ hội diễn biến ra thế nào? Và nếu văn hóa ứng xử thấp thì lễ hội sẽ diễn ra như thế nào?
Bàn về văn hóa ứng xử trong lễ hội là bàn về nhận thức, hành vi của từng cá nhân và nhóm người, đám đông trong quá trình tham gia lễ hội. Tôi cho rằng, cách mà con người ứng xử với lễ hội - di tích chính là một phần trong cốt cách của mỗi người, nó là cách “ứng xử nơi công cộng” kèm theo với sự tôn trọng, trân trọng văn hóa truyền thống. Chúng ta sẽ không thể đánh giá một cộng đồng là “văn minh” nếu nhìn thấy họ đối xử với văn hóa truyền thống một cách thiếu tôn trọng và bừa bãi.
PV: Văn hóa ứng xử là vấn đề được bàn khá nhiều trong đời sống xã hội. Vậy theo ông, văn hóa ứng xử trong lễ hội khác với văn hóa ứng xử trong đời sống thường nhật như thế nào?
Ông Phùng Hoàng Anh: Đó là hành vi cá nhân trong một sinh hoạt văn hóa đặc thù gắn với một không gian tâm linh, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng. Nó khác với loại hình, văn hóa ứng xử khác trong đời sống thường nhật.
Trong sinh hoạt văn hóa lễ hội, ứng xử, ứng xử đúng với tinh thần văn hóa của các lễ hội là một hành vi rất cần thiết và quan trọng cần được quán triệt, tuyên truyền cho các thành viên cộng đồng khi tham gia lễ hội; có thể xem đó là “hành trang” tất yếu mà mỗi cá nhân, đám đông cần có khi đến với các loại hình lễ hội.
Hà Nội đã, đang và cần hướng tới các giá trị ứng xử tốt đẹp khi tham gia lễ hội và hạn chế bớt, tiến tới loại bỏ các lời nói, thái độ, hành vi không tốt đẹp diễn ra tại các lễ hội.
PV: Như ông nói để có văn hóa ứng xử trong lễ hội đúng thì một trong yếu tố cấu thành là “hành vi” của những người tham gia lễ hội. Vậy, để xây dựng “văn hóa ứng xử trong lễ hội”, chúng ta cần phải làm gì với “hành vi” ấy?
Ông Phùng Hoàng Anh: Tôi cho rằng không chỉ hành vi của những người tham gia lễ hội, mà còn có cả hành vi của những người tổ chức lễ hội. Trong những năm qua, dù công tác tổ chức lễ hội ở Hà Nội được chuẩn bị kỹ lưỡng, song vẫn có một số nơi xảy ra hình ảnh chưa đẹp, thậm chí có nhiều hành vi biến tướng từ các đơn vị tham gia tổ chức. Đặc biệt, đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nhưng hoạt động này cũng nảy sinh không ít vấn đề như hiện tượng trục lợi tín ngưỡng, mê tín dị đoan, lãng phí,…
Vì vậy, để từng bước nâng cao chất lượng văn hóa ứng xử trong lễ hội thời gian tới Hà Nội cần có các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia lễ hội, tạo lập thái độ đúng, tích cực, có văn hóa khi ứng xử với lễ hội - di tích.
PV: Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững Thủ đô?
Ông Phùng Hoàng Anh: Trong sự nghiệp phát triển văn hóa, vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt, góp phần thúc đẩy thành phố ngày càng phát triển hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa và xứng tầm với vị thế Thủ đô trong thời kỳ mới.
Trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, người Hà Nội đã kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, phẩm chất thanh lịch, tinh tế. Đó chính là những giá trị văn hóa góp phần xây dựng nên một Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, trở thành niềm tự hào của cả nước.
Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa, ẩm thực, lễ hội… Tuy nhiên, Hà Nội cũng nhìn nhận, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Điều đó có nguyên nhân khách quan song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Vì vậy, để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững Thủ đô, cần có một kế hoạch trước mắt và dài hạn, một lộ trình tư duy khoa học, quản lý theo hướng bền vững thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bảo Thoa (thực hiện)