Về miền nước nổi

Mỗi năm một lần, An Giang lại đón mùa nước nổi từ thượng nguồn sông Mekong mang phù sa về tắm mát ruộng đồng. Cùng với giá trị về mặt kinh tế, mùa nước nổi còn mang vẻ đẹp mộng mơ, phảng phất nét văn hóa và ký ức của người miền Tây bao thế hệ.

Như cái hẹn với thiên nhiên, cứ giữa tháng 8 (âm lịch), tôi lại lang thang dọc theo mấy cánh đồng xả lũ. Con nước từ thượng nguồn đổ về, biến những cánh đồng lúa mênh mông thành tấm gương khổng lồ in bóng mây trời. Có những nơi, mặt nước như tiếp giáp chân trời trông thích mắt. Ở vùng biên giới Tịnh Biên, khung cảnh mùa nước nổi càng trở nên siêu thực, với những ngọn núi "ôm" mây, soi bóng xuống mặt nước bao la. Người đam mê nhiếp ảnh, sẽ khó bỏ qua khung cảnh ngoạn mục của thiên nhiên.

Từ mùa nước nổi hiện tại, lòng người bỗng trở về với những mùa nước xa xưa. Cái thuở lên chín, lên mười, lóng ngóng theo ba mang lưới giăng kiếm cá cho bữa cơm nghèo. Những năm 2000, nước lũ lên rất cao.

Với chỗ ruộng gần, cũng ngập đến cổ người lớn. Chỗ ruộng sâu, nước lên quá đầu người. Với đứa nhóc vừa biết bơi, cảm giác ngồi trên xuồng ba lá tròng trành giữa biển nước mênh mông vừa thích lại vừa sợ. Thích vì mặt nước bao la, mát rượi những cơn gió đồng xa. Sợ vì không biết có “con gì” dưới lớp nước kia không!

Ngày tôi lớn lên, mùa lũ chẳng mấy khi “nhảy khỏi bờ”. Ở những cánh đồng 2 vụ, người ta lội nước bì bõm tầm hơn tháng là đã chuẩn bị làm đất cho mùa lúa mới. Lúc ấy, muốn thấy được cảnh nước tràn đồng phải lên tận miền biên giới An Phú, Tịnh Biên, Tân Châu. Lũ vẫn về nhưng rất nhỏ, sản vật hiếm hoi dần. Dân câu lưới cũng vì đó mà đa số bỏ đi làm công nhân, người còn lại phải lây lất với nghề.

Mấy năm nay, mùa nước nổi dần nhiều trở lại, nên đời sống dân "bà cậu" cũng khởi sắc theo. Tuy nhiên, đa phần họ muốn gắn bó với cuộc sống công nhân có đồng lương ổn định. Chỉ có những ai nhớ ruộng đồng và không tìm được việc làm mới trở lại cùng mùa nước nổi.

Gắn cuộc đời với những chuyến đi, nhiều lần tôi tìm về với mùa nước nổi. Đó là những tháng ngày theo chân người lính biên phòng lênh đênh ra thăm chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19. Đó còn là những ngày đến thăm người bạn là dân câu lưới, được bạn dẫn xuống xuồng kiếm cá rồi tận hưởng thú tiêu dao. Ngồi trên xuồng, đưa mắt nhìn ra phía xa xăm, lắng nghe cái vị hăng hăng của những con cá chết dưới khoang xuồng, mà ký ức của những mùa nước xưa cũng hiện về…

Với những người chưa một lần “chạm” đến mùa nước nổi miền Tây, họ cứ xuýt xoa, thích thú với khung cảnh ngoạn mục, bao la của thiên nhiên. Ở xứ Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) của anh bạn tôi chẳng biết có mùa nước nổi hay không, mà khi đến An Giang cứ khen lấy, khen để cảnh sắc xứ đầu nguồn.

Với người bạn ấy, mùa nước nổi ở An Giang phảng phất cảm giác tiêu dao và rất thơ mộng. “Từ đó giờ mới thấy cảnh nước ngập đồng mênh mông như biển. Ở quê tui, nước đâu ngập nhiều như vậy. Đúng là cảnh vật An Giang đẹp thiệt!”- bạn nhiệt tình khen.

Một góc mùa nước nổi ở miền biên giới Tịnh Biên

Một góc mùa nước nổi ở miền biên giới Tịnh Biên

Không chỉ cảnh vật, mùa nước nổi ở An Giang còn có nhiều sản vật. Đến chợ sớm Tha La đầu tháng 9 (âm lịch), đã có thể thấy đủ mặt cá đồng. Từ những cánh đồng nước mênh mông kia, người ta lặn lội xuyên đêm tìm con cá, con cua mang về bán chợ. Có dịp, tôi cũng tìm mua ít cá đồng biếu người bạn mình nướng mọi, chấm nước mắm trong.

Cảm giác ngồi cùng nhau cạnh sóng nước bao la, nghe mùi cá nướng rơm thoang thoảng trong làn gió là thú vui khó cưỡng. Những con cá lăng núc ních, lớp da phồng rợp trên lửa than đánh thức vị giác của khách tiêu dao. Rồi nồi canh lục bình nấu chua, khiến người xa mùa lũ nhiều năm như tôi bất chợ nhớ lại cái hương vị của ngày xưa cũ. Mùa nước nổi xưa nay vẫn thế, giản đơn, chân chất và thấm đẫm tình nghĩa với quê hương.

Bây giờ, những bạn trẻ cũng dần yêu thích mùa nước nổi hơn. Đã có lần, tôi thấy những nhóm thanh niên thích thú chụp ảnh với khung cảnh sóng nước bao la. Rồi họ tìm đến những quán cá đồng vùng biên giới, để tận hưởng sự ngọt lành của thiên nhiên. Những quán cá đồng gần khu vực đập tràn Trà Sư (phường Nhơn Hưng, TX. Tịnh Biên) vốn đắt khách quanh năm, nhưng đông nhất là vào mùa nước nổi.

Ngồi trong quán, phóng tầm mắt ra cánh đồng nước mênh mông, lòng người cũng thấy thư thả, tạm quên đi những điều không vui trong cuộc sống. Có dạo, chủ quán còn trang bị những chiếc cần câu để khách vừa nhâm nhi, vừa đợi câu. Nếu dính cá, sẵn bếp lửa thì nướng mọi hoặc nhờ quán chế biến. Vì chất “dân dã” này, nên nhiều vị khách là dân thành thị mãi miết tìm về An Giang trong mùa nước nổi…

Năm nay, ở những cánh đồng xả lũ, nước lé đé mặt lộ giao thông nội đồng. Được dịp, người ta kéo nhau ra đó tắm đồng mỗi ngày. Trẻ nhỏ thì thỏa thích cười đùa, vì chẳng mấy khi chúng được hòa mình với thiên nhiên. Với phụ huynh, đây là lúc “xin một vé” về với tuổi thơ. Quả thật, mùa nước nổi giờ đây cũng trở thành điều thú vị, để người ta tạm quên đi cái vội vã của cuộc sống, tìm về với bình yên của thiên nhiên.

Đi qua bao tháng năm, mùa nước nổi vẫn về với người miền Tây như cái hẹn muôn đời. Ở đó, người ta vẫn còn thấy phảng phất chút hình ảnh của thuở khai hoang, cùng sự hào sảng trong văn hóa sông nước miền Tây. Do đó, cần có hướng giữ gìn, phát huy những giá trị này vào hoạt động du lịch, để cho mùa nước nổi trở thành “nỗi nhớ” cho những ai từng đặt chân đến miền đất An Giang, nơi khởi đầu của chín nhánh phù sa ra biển.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ve-mien-nuoc-noi-a378920.html