Vì một nền hòa bình lâu dài

Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên đoàn A-rập (AL) vừa tổ chức cuộc họp khẩn tại trụ sở AL ở thủ đô Cairo của Ai Cập nhằm thảo luận về những diễn biến 'nóng' liên quan việc Mỹ ủng hộ thành lập các khu định cư Do thái của Israel tại vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.

Bình luận quốc tế

AL đã bác bỏ lập trường của Mỹ, đồng thời cho rằng điều này đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian của Washington, bất chấp Tổng thống Mỹ D.Trump đang "ấp ủ" một kế hoạch hòa bình Trung Ðông gây tranh cãi.

Trong khuôn khổ phiên họp đặc biệt diễn ra tại Cairo, AL ra tuyên bố khẳng định lập trường của Mỹ là bất hợp pháp, vô căn cứ, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị quyết liên quan, sau phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo nhằm hợp pháp hóa và ủng hộ các khu định cư của Israel trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Các Bộ trưởng Ngoại giao AL cảnh báo, động thái của Mỹ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, đồng thời hủy hoại sáng kiến hòa bình A-rập. Tổng Thư ký AL A.Gheit khẳng định, việc Mỹ tuyên bố các khu định cư của Israel ở Bờ tây "không trái với luật pháp quốc tế" đã kết thúc vai trò trung gian hòa giải của nước này sau 40 năm, đồng thời tác động tiêu cực đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm đạt được nền hòa bình ở Trung Ðông trong tương lai.

Với tuyên bố mạnh mẽ nêu trên, các nước thành viên AL muốn khẳng định lập trường thống nhất của khối trong việc chỉ trích động thái của Mỹ và bày tỏ tình đoàn kết với Palestine, vì một nền hòa bình lâu dài ở Trung Ðông. Các quan chức ngoại giao AL cũng thảo luận những giải pháp thực tiễn để đối phó quyết định của Washington trên cấp độ quốc tế.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine lâm vào bế tắc, chính sách mở rộng các khu định cư Do thái của Israel càng khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Nhà nước Do thái với Palestine và cộng đồng các nước A-rập. AL đã phản đối mạnh mẽ tuyên bố của Thủ tướng Israel B.Netanyahu về ý định sáp nhập thung lũng Jordan ở khu Bờ tây nếu ông giữ chức thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.

AL luôn kiên định lập trường ủng hộ giải pháp "hai Nhà nước" trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel đã bị các quốc gia A-rập tẩy chay bởi các động thái được cho là gây cản trở lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông. Palestine mới đây tố cáo Israel đóng cửa các văn phòng giáo dục và truyền thông Palestine tại Ðông Jerusalem, cho rằng động thái này vi phạm Hiệp ước Oslo, bao gồm một loạt thỏa thuận được ký kết giữa Palestine và Israel, trong đó quy định về việc thành lập một chính phủ lâm thời tại các vùng lãnh thổ Palestine. Hàng chục nhà báo Palestine đã tổ chức biểu tình ngồi ở thành phố Ramallah thuộc khu Bờ tây, để phản đối hành động này của Israel.

Những động thái của Mỹ nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh trong việc áp đặt chủ quyền Israel đối với các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine đã "gây bão" trong cộng đồng các nước A-rập. Những động thái này đi ngược lại nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm cách giải quyết các bất đồng, đưa Israel và Palestine vào bàn đàm phán. Một số nghị quyết của Liên hợp quốc đã yêu cầu Israel chấm dứt xây dựng các khu định cư Do thái tại Bờ tây.

Trong khi đó, kế hoạch hòa bình Trung Ðông của chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump dù chưa được công bố, song sự úp mở của Washington trong kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của Palestine cũng như nhiều quốc gia A-rập. Kế hoạch hòa bình của Mỹ còn được biết đến là "Thỏa thuận thế kỷ" sẽ có điểm khác với các sáng kiến trước đây, bao gồm Sáng kiến hòa bình A-rập 2002 được AL thông qua. Kế hoạch hòa bình của chính quyền Tổng thống D.Trump được cho là thiên vị Israel khi có thể sẽ cho phép Israel giữ lại tất cả các khu định cư Do thái tại Bờ tây, nơi có khoảng nửa triệu người Do thái đang sinh sống.

Cho dù phần chính trị của kế hoạch hòa bình Trung Ðông do Mỹ khởi xướng chưa được công bố, song có thể đoán trước được "số phận" của kế hoạch này. Các quốc gia A-rập tuyên bố bác bỏ bất kỳ kế hoạch nào giải quyết xung đột Israel - Palestine mà không dựa trên đường biên giới trước năm 1967 cũng như không đề cập giải pháp "hai Nhà nước". Cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở đạt được sự đồng thuận của các bên và bảo đảm mục tiêu không chỉ người dân Palestine theo đuổi mà được cả cộng đồng quốc tế ủng hộ. Ðó là thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô Ðông Jerusalem và trên cơ sở đường biên giới năm 1967.

HÀ LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42376202-vi-mot-nen-hoa-binh-lau-dai.html