Vì sao bão đổ bộ ven biển, nhiều người chết ở miền núi?
Lý giải nguyên nhân vùng núi thiệt hại nặng do mưa lũ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng có nhiều khó khăn và bất cập trong công tác ứng phó, dự báo thiên tai với khu vực miền núi.
Cơn bão số 3 - Wipha vừa qua đã gây ra đợt mưa lớn diện rộng kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, lũ quét, sạt lở cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau mưa bão là khu vực miền núi Thanh Hóa với 5 người chết, 10 người mất tích, hàng trăm ngôi nhà hư hỏng nặng.
Dù đã được cảnh báo trước về nguy cơ lũ quét, sạt lở, người dân tại khu vực này vẫn phải hứng chịu nỗi đau mất người và của chỉ sau vài phút lũ quét qua bản.
"Công tác dự báo, ứng phó dù đã sát sao nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập, đặc biệt là khi người dân chưa lường trước được những nguy hiểm do bão lũ gây ra", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.
Thiên tai bất thường, người dân không lường trước
Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng sự việc 4 người chết và 10 người mất tích do lũ quét ở bản Sa Ná (Thanh Hóa) là một bài học đau lòng. Theo đó, khi nhận được cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất tại khu vực, người dân đã được di dời lên khu vực nhà văn hóa thôn để đảm bảo an toàn.
Khi trận lũ đầu tiên quét qua, tất cả người dân đều được an toàn. Nhưng không may, đây là đợt lũ kép trong khi người dân vội vàng di chuyển về bản để cứu vớt tài sản. Khi mọi người đang dọn dẹp nhà cửa thì đợt lũ thứ hai tràn về, nhiều người không kịp phản ứng dẫn đến sự việc đau lòng.
“Hiện tượng lũ kép rất hiếm khi xảy ra ở khu vực này nên người dân ít có sự đề phòng. Đây là một trong những yếu tố khách quan do tính bất thường của thiên tai gây ra”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.
Để khắc phục, Thứ trưởng cho rằng cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể về định canh, định cư ở khu vực miền núi. Tất cả người dân ở vùng trũng, thấp và khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần được giải tỏa, di dời đến nơi ở tốt hơn.
Tuy nhiên, dù là giải pháp tối ưu, việc quy hoạch lại nơi ở cho người dân vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là khi điều kiện kinh phí còn eo hẹp. Ngoài ra, yếu tố phong tục tập quán và nếp sống của người dân cũng là một trong những nguyên nhân cản trở việc điều chỉnh quy hoạch dân cư khu vực miền núi.
Thứ trưởng Hiệp lấy ví dụ về việc quy hoạch giao thông, đường mở ra đến đâu là người dân tràn ra mặt đường ở đến đó. Tương tự, người dân miền núi sẽ sống tập trung ở các khu vực gần sông suối để tiện cho sinh hoạt và nuôi trồng. Điều này là hợp lý theo lẽ thường, nhưng lại tiềm ẩn nguy hiểm khi có bão lũ.
Bộ NN&PTNT đang khuyến khích các địa phương giải tỏa các khu dân cư có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao, di dời bà con đến khu vực an toàn hơn trong khả năng cho phép.
"Nếu được bà con chấp thuận và có đủ kinh phí, chúng tôi khuyến khích các địa phương làm việc này để hạn chế rủi ro trong mùa mưa bão", ông Hiệp cho biết.
Mưa lớn sau bão mới là nguy hiểm
Bên cạnh yếu tố người dân, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho rằng việc phân bổ các lực lượng hỗ trợ phòng tránh, ứng phó với thiên tai ở các địa phương còn bất cập.
Theo đó, công tác cứu hộ, cứu nạn đang thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó tận dụng tối đa lực lượng, trang thiết bị địa phương để ứng phó với mưa lũ. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng nếu xét trên phương diện ứng phó khẩn cấp, lực lượng tại địa phương hiện đủ để đáp ứng nhu cầu cứu hộ, cứu nạn của người dân trong mùa mưa lũ.
"Tuy nhiên, chúng ta không lường trước được khi mưa lũ các khu vực sẽ bị chia cắt, cần bổ sung thêm rất nhiều nhân lực để hỗ trợ vận chuyển trang thiết bị, lương thực vào khu dân cư", ông Hiệp nhận định.
Trong khi đó, nói về công tác dự báo thiên tai, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho rằng mọi thông tin về diễn biến, tình hình bão lũ, mưa lớn đều được cảnh báo chi tiết cho từng địa phương.
Tuy nhiên, quy trình truyền tin từ địa phương đến cơ sở có thể gặp một vài khó khăn về cơ sở vật chất hoặc thuật ngữ, khiến thông tin truyền đi bị chậm hoặc người dân không lường hết được các nguy hiểm do thiên tai gây ra.
"Hầu hết địa phương chỉ đề phòng và quan tâm đến các thông tin khi bão đổ bộ. Nhưng trên thực tế, mưa lớn sau bão mới là nguyên nhân chính dẫn đến lũ quét, sạt lở và là mối nguy cho tính mạng, của cải người dân", ông Hải cho biết.
Ông Hải nhấn mạnh thêm việc dự báo hiện nay dù đã có bản đồ sạt lở, lũ quét đến tận khu vực xã, huyện, nhưng có nhiều điểm sạt lở bất thường, không thể lường trước. Công tác truyền tin khí tượng thủy văn cũng cần được điều chỉnh để có thể hỗ trợ tối ưu cho công tác ứng phó với bão lũ của người dân.
Hiện, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang xin ý kiến bộ, ngành về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác phòng chống thiên tai trong năm 2019. Nội dung các văn bản này tập trung vào việc tối ưu hóa công tác dự báo cho ngành khí tượng thủy văn, điều chỉnh các thuật ngữ đưa tin dự báo để cải thiện tốc độ, chất lượng dự báo thời tiết cho các khu vực.