Vì sao bệnh sởi nguy hiểm?

Sởi có tính lây lan nhanh, gây biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt ở các nhóm nguy cơ cao.

 Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Ảnh: Deposit Photo.

Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Ảnh: Deposit Photo.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo thống kê công bố hồi cuối tháng 4 năm nay, toàn cầu đã có tới 94.000 ca mắc sởi. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 4, cả nước ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhấn mạnh sởi là bệnh lây lan bởi virus qua đường hô hấp và chỉ có thể phòng ngừa bằng vaccine. Kể cả khi có vaccine, mức độ phủ rộng vẫn không thể đạt 100%, dẫn đến việc sởi sẽ diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm/lần.

Trong giai đoạn hiện nay, khi dịch sởi được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành, PGS Dũng cho rằng nguyên nhân chính là người dân chưa tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

"Sởi là căn bệnh đặc thù, nếu không tiêm vaccine, mọi người đều mắc sởi một lần trong đời. Vì những đặc tính này, càng nhiều trẻ không được tiêm phòng đẩy đủ, bệnh càng dễ lây lan trong cộng đồng", PGS Dũng phân tích.

Trước đây, dịch sởi cũng bùng phát mạnh hồi năm 2014 và 2019, khiến nhiều trẻ em không qua khỏi. Ở những giai đoạn này, ngành y tế phải triển khai các phương án tiêm vét, tiêm bù mới thể giảm sự lây lan virus sởi.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ chuyên khoa I Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhi có thể khỏi bệnh sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, điểm nguy hiểm của bệnh sởi là gây suy giảm miễn dịch, đặc biệt là ở các trẻ suy dinh dưỡng; có bệnh nền như HIV, tim bẩm sinh, bệnh huyết áp, bệnh gan, thận... và phụ nữ có thai.

Ở các trẻ có thể trạng bình thường nhưng nếu điều trị muộn, bệnh vẫn có thể gây ra các biến chứng nặng lên đa cơ quan như viêm phổi, suy hô hấp; viêm não, viêm màng não, viêm tủy cấp; nhiễm khuẩn đường ruột, viêm ruột; viêm loét giác mạc thậm chí gây mù vĩnh viễn...

Đối với phụ nữ mang thai chưa tiêm vaccine, bệnh có thể đe dọa đến sự phát triển của thai nhi nếu không may mắc sởi trong thai kỳ. Lúc này, thai phụ có nguy cơ sinh non, thai sinh ra nhẹ cân, thậm chí sảy thai.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-benh-soi-nguy-hiem-post1484267.html