Vì sao hàng không Việt phục hồi, tăng trưởng chưa được như kỳ vọng?

Chiều 24/2, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt. Đại diện các hãng hàng không cho biết, dù thời gian qua lượng khách gia tăng nhưng mục tiêu phục hồi, tăng trưởng chưa đạt được như kỳ vọng và cơ chế, chính sách cần thay đổi để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.

Cuối năm 2024, các hãng hàng không Việt mới có thể phục hồi!

Tại buổi tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt”, lãnh đạo cả ba hãng hàng không lớn của Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airway cho rằng, thị trường hàng không Việt mới chỉ phục hồi được chừng 50% sản lượng như hồi chưa xảy ra dịch COVID-19 (năm 2019).

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines cho rằng, cuối năm 2024 các hãng hàng không Việt mới có thể phục hồi

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines cho rằng, cuối năm 2024 các hãng hàng không Việt mới có thể phục hồi

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines bày tỏ: Nếu ai đó nói hàng không đang tăng trưởng, phục hồi rất tốt từ năm 2022 thì đó là phản ánh chưa đúng bản chất vấn đề. Vị này dẫn chứng, tháng 3/2022, Chính phủ mới chính thức công bố mở lại biên giới, nên những con số phản ánh năm 2022 tăng, hay đầu năm 2023 tăng không nói lên điều gì.

“Tất cả các hãng hàng không đều biết, bay quốc tế đóng góp 40% sản lượng khách nhưng góp 60% doanh thu, đường bay nội địa thì ngược lại. Thế nên nói phục hồi chúng tôi chưa đồng ý. Tốc độ phục hồi ở khu vực châu Á Thái Bình Dương là khu vực phục hồi chậm nhất trên thế giới”, ông Thành chia sẻ và cho biết, dự kiến lạc quan thì cuối năm 2024 các hãng hàng không Việt mới phục hồi.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho hay, do chi phí đầu vào tăng nên dù có đạt tăng trưởng nhưng giá trị thu thật chưa bền vững.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho hay, do chi phí đầu vào tăng nên dù có đạt tăng trưởng nhưng giá trị thu thật chưa bền vững.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng, tháng 3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa giao thương, trong đó có vận tải hàng không và du lịch. Sau đó đánh giá lại chúng ta thấy không đạt mục tiêu, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Làm rõ nguyên nhân khách quan, ông Quân cho rằng, các thị trường truyền thống chưa mở cửa tới Việt Nam hoặc mở cửa thận trọng. Nhật Bản còn xuất hiện tâm lý e ngại đi du lich nước ngoài do thu nhập, mà đây lại là một trong thị trường truyền thống của Việt Nam. Cùng đó, doanh thu từ thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%, nhưng lại chưa được mở rộng trở lại nên chưa đạt được. Nhìn vào những con số đó có thể đánh giá được các công ty hàng không, du lịch còn nhiều khó khăn.

Quay trở lại thị trường nội địa, có thể thấy chúng ta còn may mắn, do có được thị trường nội địa dồi dào để khai thác. Vai trò của thị trường đáng phải đóng vai trò lớn, song do chi phí đầu vào tăng nên dù có đạt tăng trưởng nhưng giá trị thu thật chưa bền vững. Đây chính là khó khăn trước mắt với các doanh nghiệp vận tải hàng không.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, đại diện hãng Hàng không VietJet Air.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, đại diện hãng Hàng không VietJet Air.

Tương tự, bà Hồ Ngọc Yến Phương, lãnh đạo của hãng Hàng không VietJet Air cũng đưa ra góc nhìn: Việt Nam đang đối diện với nhiều sự mất mát. Ngành hàng không suy yếu về thanh khoản, chi phí nhưng không có sự khơi mở thị trường. Trong khi thị trường thế giới đã tăng giá trên 50%, nhưng nội địa của ta tăng trưởng nhưng không tăng giá, không phụ thu được, kể cả xăng dầu tăng. Nếu không có sự thay đổi doanh thu thị trường quốc tế, chuẩn bị đón đầu cho việc mở cửa thì sẽ bị tụt lại phía sau. Lo ngại hàng không không thể hồi phục lại, nên ngân hàng còn hạn chế trong việc cho vay vốn, dẫn đến hàng không loay hoay với một đống chi phí phát sinh. Do vậy, hãng nào cũng lỗ lớn. Bà Phương dẫn chứng, trong dịp Tết vừa qua, hai cảng Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất nhộn nhịp nhất trong khu vực, cho thấy ngành vẫn còn nhiều cơ hội phục hồi. Nếu có cơ chế chính sách hỗ trợ thì ngành hàng không sẽ thêm cơ hội phát triển.

Đề xuất bỏ giá trần vé máy bay

Dưới góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu về kinh tế, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cho hay, tình hình thế giới rất bất định và không dự báo được. Giá dầu tăng vọt, tới 120USD/thùng, mới đây xuống 77USD/thùng. Nhưng tới đây như thế nào cũng khó đoán. Vừa qua, lỗ của các hãng hàng không phần lớn là tác động từ bên ngoài chứ không phải hãng yếu kém.

Theo ông Lê Đăng Doanh, một trong những giải pháp giúp các doanh nghiêp hàng không tăng trưởng tốt hơn là nên xem xét việc có nên ấn định giá trần hay không? Vì giá là phương tiện để cạnh tranh của các hãng hàng không. Các hãng có thể tự điều chỉnh giá của mình theo giờ bay…

Các chuyên gia, khách mời tham dự buổi tọa đàm.

Các chuyên gia, khách mời tham dự buổi tọa đàm.

Còn theo GS Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, các hãng có phục hồi, nhưng là sự phục hồi không đồng đều. Có nhiều yếu tố liên quan đến việc chậm phục hồi như việc cấp thị thực còn khó, mới cấp cho 24 nước. Cần khắc phục, mở cửa và cởi mở hơn nữa để thu hút khách hơn.

Trên phương diện về mặt giá và quản lý giá, GS Trần Thọ Đạt nhắc đến vấn đề áp dụng giá sàn. Theo số lượng thống kê, thị phần hàng không của ta có thể chiếm trên 30%, có yếu tố độc quyền, nếu áp dụng giá sàn thì ảnh hưởng đến luật cạnh tranh. Còn giá trần có nên áp dụng hay không? Thực tế giá hàng không khác với giá cả của hàng hóa thông thường. Khi mua vé máy bay, lúc mua mới biết giá vé là bao nhiêu, trước đó không biết. Giá vé chuyến 5 giờ sáng, 10h đêm có khi chỉ bằng 1/3 giá giờ cao điểm. Cùng đó, giá nhiên liệu, giá thuê máy bay, bến bãi thường xuyên biến động về tỷ giá nên phức tạp hơn. Chúng ta nên tuân thủ luật quốc tế, nhiều nước không áp dụng giá sàn, sớm hay muộn nên bỏ giá trần, mà nên thay vào công thức điều hành giá hàng không, một cung dao động mở, đảm bảo sự cạnh tranh.

Ông Trần Thọ Đạt cũng cho hay, đặc điểm giá hàng không là không thay đổi được, nên cơ chế quản lý giá cũng nên có yếu tố đặc thù, nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để đưa ra cơ chế quản lý giá để ngành hàng không phát triển lâu dài và bền vững. Việt Nam cần có hãng bay trở thành thế lực trong khu vực. Nay, chúng ta đang thiếu sân bay ở tầm trung, nên cần có chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa hơn nữa...

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vi-sao-hang-khong-viet-phuc-hoi-tang-truong-chua-duoc-nhu-ky-vong--i684627/