Vì sao lấy cát thay đất mỏ thi công khu tái định cư cao tốc Bắc- Nam?
Nhà thầu thi công khu tái định cư dự án cư cao tốc Bắc- Nam đoạn Diễn Châu- Bãi Vọt lấy 6.000m3 cát lót nền thay vì lấy đất mỏ.
Sáng 10/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó ban Quản lý tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, GPMB, tái định cư Dự án cao tốc đoạn Diễn Châu- Bãi Vọt (địa bàn huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) xác nhận: Nhà thầu thi công công trình hạ tầng tái định cư tại xã Đức Vĩnh (nay là xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ) phục vụ dự án đã dùng 6.000m3 cát để san lấp mặt bằng thay thế cho đất K90 (đất mỏ).
Tuy nhiên, theo ông Hải, việc dùng cát để san lấp mặt bằng chỉ là xử lý kỹ thuật bình thường trong thi công, không có chuyện nhà thầu thi công sai thiết kế như một số thông tin trước đó.
“Việc xử lý này đã được đại diện chủ đầu tư, đại diện tư vấn thiết kế, đại diện tư vấn giám sát, đại diện nhà thầu thi công và đại diện đơn vị sở hữu thống nhất bằng văn bản”, ông Hải nói.
Kỹ sư thiết kế Trần Viết Nghĩa, Công ty CP Tư vấn xây dựng HĐT, đại diện tư vấn thiết kế phân tích thêm: Quá trình thi công gặp phải thời điểm mưa nhiều, khu vực thi công nằm ở vùng trũng nên nước dâng cao, hệ thống thoát nước lại không có nên không thể đắp đất K90.
"Đây là công trình phục vụ dự án trọng điểm quốc gia - Dự án cao tốc Bắc - Nam, ngoài yếu tố chất lượng thì tiến độ cũng phải được đảm bảo. Nếu chờ nước rút rồi mới đắp đất thì chắc chắn sẽ không kịp tiến độ. Do vậy, các bên cùng với chính quyền địa phương thống nhất phương án lấy cát thay cho một phần đất K90", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, xét về mặt kỹ thuật, đắp cát sẽ có chất lượng tốt hơn; giá mua cát đắt hơn đất nên nhà thầu sẽ chịu thiệt thòi. Đồng thời, việc lấy cát đắp cũng đảm bảo tiến độ cấp trên đề ra.
“Về phương diện đơn vị tư vấn thiết kế, chúng tôi hết sức ủng hộ việc này vì vừa đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, vừa đảm bảo tiến độ. Ngay từ đầu chúng tôi cũng đã định hướng đắp cát nhưng giá thành cao quá nên không được duyệt. Không chỉ công trình này mà đã có rất nhiều công trình, trong đó có những công trình rất lớn, khi đắp nền gặp nước thì cũng phải xử lý kỹ thuật bằng đắp cát thay thế”, kỹ sư Nghĩa nói.
Một kỹ sư của đơn vị thi công là Công ty TNHH Như Nam cũng cho biết: Về nguyên lý, nếu đắp đất xuống nước sẽ tạo nên một tầng cao su khiến nền không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, cát có tính chất hút nước, khi đắp cát xuống sẽ đảm bảo độ kết dính bền chặt hơn.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm: cát và đất K90 đắp nền ở dự án này đều được lấy từ các mỏ được cấp phép. Giá đất bao gồm cả phí vận chuyển khoảng 80 - 90 ngàn đồng/khối, trong khi đó giá cát bao gồm cả phí vận chuyển lên đến 110 - 120 ngàn đồng/khối.
“Xét về kinh tế, việc đắp cát nhà thầu sẽ chịu thiệt thòi hơn. Tuy nhiên, đây là phương án xử lý kỹ thuật nên họ phải chấp nhận. Việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu nên sau này quyết toán thì nhà thầu cũng phải chịu phần thiệt này”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ cho biết: "Đúng là thời gian thi công san lấp mặt bằng thường xuyên có mưa nên khu vực tái định cư luôn có nước đọng. Để đảm bảo tiến độ đề ra, nhà thầu đã phải dùng cát để lót nền phía dưới. Quá trình xử lý này, ngoài sự đồng thuận, nhất trí của UBND huyện, đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát… thì xã cũng mời Đảng ủy, xóm trưởng lên chứng kiến. Tất cả mọi người đều đồng thuận với giải pháp đó".
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt trên địa bàn huyện Đức Thọ đến nay đã hoàn thành việc đền bù, GPMB đất nông nghiệp. Về đất ở, toàn huyện có 74 hộ chịu ảnh hưởng; đang rà soát, thống kê để lên phương án đền bù.
Song song với công tác đền bù, huyện cũng đã triển khai thi công xây dựng 2 khu tái định cư ở xã Quang Vĩnh và xã Yên Hồ với tổng diện tích hơn 4ha. Hiện, cả 2 khu đã thi công được hơn 50% khối lượng, đảm bảo tiến độ đề ra.