Vì sao nhiều bố, mẹ phải giấu con bằng đại học của mình như giấu của quý?
Nhiều phụ huynh khư khư giấu kín bằng đại học như giấu của quý. Tưởng chuyện đùa nhưng đó là tình huống xảy ra tại nhiều gia đình.
Quyết giấu thật kỹ bằng đại học vì muốn con nên người
"Ý tưởng bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học hướng đến mô hình giáo dục mở mà Bộ Giáo dục Đào tạo đề xuất mới đây khiến tôi ao ước giá như thực hiện sớm hơn vào cái thời tôi đang học. Thú thật, tôi và vợ "cùng cảnh" là đều có bằng tốt nghiệp đại học xếp loại trung bình nên bảo vợ phát tuyệt đối giữ kín. Bởi để lộ sẽ khó dạy con.
Với các con, nhất là con nhỏ lúc nào chẳng tôn mình làm thần tượng, tấm gương với nhiều hiểu biết. Thậm chí, ở nhà cha mẹ còn sắm vai là thầy cô giáo khi con không hiểu bài. Nếu bây giờ để lộ chuyện ngày xưa bố mẹ đi học đại học chỉ xếp loại bằng trung bình thì với con sẽ là cú sốc, sẽ phá vỡ hình tượng của chúng, bởi với chúng bằng trung bình là yếu kém.
Muốn con học hành chăm chỉ nên người, vợ chồng tôi đã đồng thuận giấu bằng đại học thật kỹ", đó là chia sẻ thật lòng của chị Nguyễn Hoài Thu (ngõ 36 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội).
Anh Nguyễn Hữu Huynh ở phố Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cũng bày tỏ: "Tôi làm doanh nghiệp tư nhân, hiểu rất rõ xếp loại văn bằng không quan trọng. Chỉ có vào công chức hoặc viên chức mới xét bằng cấp. Vào làm doanh nghiệp tư nhân thì bằng cấp chỉ là yếu tố sơ tuyển. Ai làm tốt công việc mới được nhận lương cao. Bằng giỏi mà làm việc tệ cũng sẽ bị sa thải. Tất nhiên, câu chuyện trải nghiệm thực tế thì là vậy nhưng ở nhà tôi vẫn phải giấu kỹ bằng đại học vì con biết sẽ buồn. Bởi tôi là ông bố xếp bằng tốt nghiệp đại học loại trung bình".
Có lần tôi mở két quên khóa, con trai 7 tuổi vào lục lọi đang cầm tấm bằng tốt nghiệp của bố trên tay thì tôi chạy vào giật vội, cất đi. Con trai hỏi bằng đại học của bố, bố cho con xem đi. Nói thật lúc đó rất xấu hổ, nếu bằng giỏi, bằng khá tôi đưa cho con xem luôn nhưng là bằng trung bình nên dù con khóc và thắc mắc tôi cũng quyết không cho xem", anh Huynh chia sẻ.
Trên mạng xã hội, thật không khó để bắt gặp hình ảnh người "khoe" bằng đại học. Tuy nhiên, phần lớn đều che đi phần xếp loại. Nhiều người đã có những vị trí cao trong công việc hay thành công trong cuộc sống thì cũng "không sẵn sàng" chia sẻ.
Phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học xếp loại trung bình
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, TS. Ngô Tự Lập (Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Trước hết, thông tin xếp loại trên bằng đại học là một thông tin khá nhạy cảm, tương tự như thông tin về sức khỏe. Bố mẹ sẽ dạy con thế nào nếu công khai văn bằng đại học loại trung bình? Trong khi phần lớn sinh viên ra trường xếp loại văn bằng đại học là trung bình.
Thứ hai, việc đánh giá, xếp loại văn bằng đại học hiện nay nói chung vẫn chưa thật sự đáng tin cậy. Còn nếu nhà tuyển dụng muốn biết về quá trình học tập của ứng viên có thể yêu cầu xem bảng điểm. Tất nhiên, bảng điểm cũng là thông tin nhạy cảm nên cũng không cần công khai.
Cuối cùng, bằng cấp cũng chỉ là một nguồn thông tin tham khảo. Năng lực và giá trị của con người không nằm ở bằng cấp. Nhiều người tốt nghiệp loại trung bình, thậm chí bỏ học vẫn thành công".
PGS.TS Phạm Đức Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng cho rằng: "Chúng ta đang nhầm lẫn giữa việc không ghi xếp loại trên bằng và đánh giá xếp loại. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất không ghi xếp loại trên bằng nhưng vẫn có đánh giá trên từng môn học trong hồ sơ đại học của sinh viên.
Với những đề xuất cho rằng những ngành nghề đặc thù vẫn cần phải ghi đánh giá như bác sĩ, giáo viên, kỹ sư tôi cho rằng không cần thiết. Vì bản thân vẫn là năng lực xử lý công việc chứ không nằm ở xếp loại văn bằng. Nếu điểm chuyên môn thực sự quan trọng, đã có đánh giá trong hồ sơ. Nếu chỉ đánh giá năng lực của một người qua bằng đại học thì thực sự cũng chưa toàn diện".