Vị thế Thành Nam trong dòng chảy lịch sử
Ngày 28.1, tại không gian văn hóa Bảo tàng tỉnh Nam Định đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm 'Dấu ấn Thành Nam'. Đây là sự kiện nhằm khắc họa những mốc son và giới thiệu đến công chúng quá trình hình thành, phát triển của danh xưng Nam Định và những giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất Thành Nam xưa.
Cho tới đầu thế kỷ 19, Sơn Nam Hạ vẫn là một trong những trọng trấn của cả nước. Năm 1822, trấn Sơn Nam Hạ đổi thành trấn Nam Định. Năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện cuộc cải cách hành chính trên quy mô toàn quốc, chia cả nước thành 30 tỉnh, trấn Nam Định được đổi thành tỉnh Nam Định.
Sự khởi sinh của một đô thị…
Thành phố Nam Định là mảnh đất có lịch sử lâu đời, hiện nay là một trong 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố của tỉnh Nam Định. Nơi đây, từ thế kỷ XIII, vương triều Trần đã cho xây dựng Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường, một trung tâm quyền lực của quốc gia Đại Việt, có vị thế như Kinh đô thứ hai (sau kinh đô Thăng Long).
Đây cũng là thời kỳ khởi đầu quá trình đô thị hóa cho sự ra đời của đô thị Vị Hoàng ở thế kỷ XVII - XVIII, trở thành trấn lị của trấn Sơn Nam Hạ (triều Tây Sơn), trấn lị Nam Định (năm 1822), tỉnh lị Nam Định (năm 1832) và trở thành một trong ba thành phố lớn ở Bắc Kỳ thời cận hiện đại.
Với sự xuất hiện hàng loạt các công trình dinh thự, công sở của nhà nước và sự mở rộng khu vực sinh sống, buôn bán của người dân đã làm thay đổi diện mạo và quy mô của tỉnh lỵ Nam Định. Tỉnh lỵ Nam Định trở thành một trong những đô thị trọng điểm của miền Bắc Việt Nam - đô thị Thành Nam.
Sau Nam Định đã bị thực dân Pháp chiếm đóng và đã cho bạt thành lấp hào, quy hoạch lại thành phố. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã biến Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Kỳ nói riêng và toàn xứ Đông Dương nói chung. Trên cơ sở đó, ngày 17.10.1921, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập thành phố Nam Định. Nghị định này cũng chính là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công sở, trường học, nhà máy, xí nghiệp lớn đồng thời thực hiện quy hoạch, xây dựng các khu phố.
Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, diện mạo đô thị Thành Nam đã có nhiều đổi thay, với sự kết hợp hài hòa hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây. Cùng với những nếp quen cũ và tập quán sinh hoạt truyền thống của người Thành Nam, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn riêng cho mảnh đất và con người Thành Nam nay.
Ngoài ra, ngày 24.9.1998, Thành phố được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại II, đến năm 2011, được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14.9.2005 của Bộ Chính trị; Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg, ngày 19.5.2006 của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng quy hoạch, xây dựng phát triển thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Trở thành cái nôi của ngành dệt Việt Nam
Lịch sử xây dựng, phát triển của nhà máy Dệt Nam Định gắn với thời kỳ kháng chiến cứu nước của dân tộc và những trang sử của thành phố Nam Định. Những thăng trầm của Nhà máy Dệt từng làm ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.
Vào năm 1898, Toàn quyền Pháp Paul Doumer đã đồng ý cho ông Dadre - một phái viên nghiên cứu vấn đề tơ lụa Đông Dương - thành lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước tại thành phố Nam Định, nằm gần bờ con sông Đào chạy qua thành phố.
Sau đó, một số tư bản Pháp trong Công ty bông, vải, sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré đã hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh…
Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy Dệt Nam Định được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Theo đó, vào năm 1924 số công nhân của Nhà máy đã lên tới 6.000 người. Đến năm 1929, Nhà máy đã có quy mô 135 máy dệt. Đến năm 1939, nhà máy phát triển lên với quy mô 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực...
Không chỉ là cái nôi của ngành dệt may Việt Nam, giai đoạn 1919-1930, cùng với công nhân xưởng đóng tàu Ba Son (ở miền Nam), công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy, xe lửa Trường Thi (Nghệ An), Nhà máy Dệt Nam Định cũng là nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ của công nhân, với nhiều cuộc bãi công, đình công lớn phản đối chính sách khai thác thuộc địa…
Đến năm 1954, Nhà máy Dệt Nam Định được Nhà nước tiếp quản từ phía Pháp. Từ đây, nhà máy bước vào một thời kỳ mới.
Nhà máy Dệt Nam Định đã để lại nhiều dấu ấn ở thành phố này. Tiếng còi tầm của Nhà máy Dệt Nam Định là âm thanh quen thuộc của nhiều thế hệ người dân Thành Nam. Hay hình ảnh nữ công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đang đứng máy cũng rất quen thuộc khi được in trên tờ tiền Việt Nam mệnh giá 2.000 đồng… Đặc biệt sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng ba lần về thăm cán bộ, công nhân Nhà máy…
Cùng với nhiều nhà máy khác trên địa bàn, quy mô lớn của Nhà máy Dệt Nam Định đã đưa thành phố Nam Định trong một thời kỳ dài được xem là thành phố công nghiệp, thành phố lớn thứ ba ở miền Bắc sau Hà Nội, Hải Phòng; được người dân cả nước gọi thân mật là “Thành phố Dệt”.
Năm 2016, Nhà máy Dệt Nam Định đã bị phá dỡ để nhường chỗ cho một khu đô thị mới. Một di sản công nghiệp chứa đựng đầy ắp ký ức, gắn bó với lịch sử phát triển lẫn danh xưng Nam Định, còn chưa được gọi tên và tôn vinh, nay đã trở thành dĩ vãng.
Do đó để thấy, bảo tồn di sản công nghiệp là một khía cạnh không thể bỏ quên trong bảo tồn di sản văn hóa, di sản đô thị. Bởi lẽ, song song với những giá trị mới, nó là một phần không thể tách rời của lịch sử đô thị, gắn liền với con người và ký ức thời gian, đặc biệt nếu được chuyển đổi trở thành một bảo tàng văn hóa công nghiệp hoặc không gian nghệ thuật sáng tạo. Nhà máy Dệt Nam Định, vì vậy, đã trở thành câu chuyện “nếu như”.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/vi-the-thanh-nam-trong-dong-chay-lich-su-38192.html