Viện trợ Ukraine: Ông Zelensky 'khoe' đã có nước sẵn sàng gửi F-16, Hungary phát cảnh báo về đích đến thực của vũ khí
Ngày 6/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, nước này đang chờ thỏa thuận cuối cùng của các đồng minh về việc cung cấp các máy bay chiến đấu F-16.
Theo Tổng thống Zelensky nêu rõ: "Các đối tác của chúng tôi biết chúng tôi cần bao nhiêu máy bay. Tôi đã nhận được một con số rõ ràng từ một số đối tác châu Âu... Đó là một lời đề nghị nghiêm túc và mạnh mẽ".
Ông cho biết, Kiev hiện đang chờ một thỏa thuận cuối cùng với các đồng minh, bao gồm cả "một thỏa thuận chung với Mỹ”. Tuy nhiên tới nay, vẫn chưa rõ đồng minh nào của Kiev đã sẵn sàng gửi F-16 tới Ukraine.
Cùng ngày, phía Nga cho biết, các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo có thể "chứa" vũ khí hạt nhân và cảnh báo rằng, việc cung cấp cho Kiev các loại vũ khí này sẽ làm cuộc xung đột căng thẳng hơn nữa.
Cùng ngày, sau khi Quốc hội Bulgaria thông qua nội các mới do Thủ tướng Nikolai Denkov đứng đầu, trong đó có tân Bộ trưởng Quốc phòng Todor Tagarev, quan chức này đã công bố ý định viện trợ quân sự cho Ukraine.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội, tân Bộ trưởng Tagarev tuyên bố, Bộ do ông đứng đầu sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước, khả năng đóng góp của quân đội Bulgaria đối với an ninh tại Biển Đen, cũng như quyết tâm "phải giúp Ukraine tiếp tục phản công".
Ông Tagarev cũng nhấn mạnh, sự hỗ trợ quân sự mà Sofia dành cho Kiev sẽ không gây tổn hại đến khả năng phòng thủ của Bulgaria.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã lên tiếng cảnh báo, một số lượng lớn vũ khí của nước ngoài gửi tới Ukraine có thể gây ra tình trạng hỗn loạn ở các nơi khác trên khắp thế giới sau khi xung đột với Nga kết thúc.
Phát biểu dẫn đề tại Diễn đàn Hòa bình Budapest ngày 6/6, Ngoại trưởng Szijjarto đã nêu rõ lập trường của chính phủ Hungary đối với cuộc xung đột đang diễn ra tại quốc gia láng giềng phía Đông, khẳng định rằng, nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn bên ngoài biên giới của Ukraine.
Theo ông Szijjarto, có nhiều khu vực trên thế giới mà ngay cả một phần nhỏ trong số vũ khí được gửi đến Ukraine cũng có thể gây ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Bạo lực và khủng bố có thể gia tăng tại những khu vực vốn dĩ đã bất ổn, qua đó có thể dẫn đến một làn sóng di cư khác.
Ông cũng bày tỏ nghi ngờ rằng, vũ khí giao cho Ukraine có thể lại được chuyển đến những nơi khác.
Khẳng định chỉ có chấm dứt giao tranh mới có thể đảm bảo an ninh cho Budapest, nhấn mạnh rằng, chính Hungary là nước đầu tiên phải đối mặt với nguy cơ leo thang do có chung đường biên giới với Ukraine.
Hungary yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình, ít nhất là để đem lại hy vọng về một nền hòa bình bền vững và lâu dài.