'Việt Nam có tiềm năng rất lớn về đổi mới sáng tạo'
Bà Sheena S. Iyengar - Giáo sư Kinh doanh S.T. Lee thuộc Khoa Quản lý tại Trường Kinh doanh Columbia, nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Quốc tế 'Digitalize to Revolutionize – Định hình bức tranh kinh tế tương lai', chiều 8/11.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VietTimes, rằng: 'Đâu là động lực để Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo?', bà Sheena S. Iyengar cho biết, Việt Nam sở hữu tiềm năng rất lớn về con người và 'không ngừng đổi mới với tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt'.
Bà cho rằng, Việt Nam đã và đang có một nền tảng tốt để thực hiện đổi mới sáng tạo với thành tựu về kinh tế đáng kể, là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, thủy sản và nội thất hàng đầu.
Bà Sheena S. Iyengar - Giáo sư Kinh doanh S.T. Lee thuộc Khoa Quản lý tại Trường Kinh doanh Columbia phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize – Định hình bức tranh kinh tế tương lai" do MB tổ chức, chiều 8/11.
Đặt vấn đề làm thế nào để có một quốc gia đổi mới sáng tạo, bà Iyengar dẫn chứng một số hệ sinh thái nổi bật của thế giới đi theo mô hình đổi mới sáng tạo, điển hình là Thung lũng Silicon.
Theo vị chuyên gia chuyên nghiên cứu về ra quyết định, một tầm nhìn đủ tốt sẽ giúp thay đổi hoàn toàn cục diện. Bởi, nếu chỉ có một doanh nghiệp đơn lẻ hay một nhóm người thì khó có thể nhìn thấy sự thay đổi, còn nếu có một hệ sinh thái, một cộng đồng thì sẽ tạo ra những khác biệt rất lớn.
Để có được hệ sinh thái nêu trên, theo bà Iyengar, cần đội ngũ nhân tài, những người dám đổi mới và đặc biệt, là vai trò xúc tác của chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho những ý tưởng được thực hiện, nơi mà những cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp là động lực của sự phát triển.
Điều cần thúc đẩy tiếp theo là tạo ra hệ sinh thái phối hợp giữa chính phủ, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. “Tôi cho rằng Việt Nam có thể kiến tạo một khu vực giống như Thung lũng Silicon. Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy những lợi thế của mình", bà Iyengar nhấn mạnh.
Tại buổi hội thảo, bà Iyengar cũng chia sẻ về cách để doanh nghiệp, cá nhân hình thành tư duy đổi mới sáng tạo với phương pháp Nghĩ lớn (Think big). Điểm mấu chốt là cần phải tư duy “ngoài khung” và không theo lối mòn, đồng thời học hỏi, tận dụng lại các kiến thức đã có sẵn, từ đó tìm ra “các chiến thuật” mới phù hợp. Đây cũng là con đường chung dẫn tới thành công của rất nhiều “ông lớn” thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào để biến đổi mới sáng tạo thành "DNA của doanh nghiệp", bà Iyengar cho rằng, trước hết cần kiến tạo văn hóa và tinh thần đổi mới, trong đó vai trò dẫn đầu của các lãnh đạo đứng đầu là đặc biệt quan trọng.
Bà Iyengar khẳng định, điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần làm khi đổi mới sáng tạo là phải chuẩn bị sẵn sàng, thực sự dành thời gian để xác định rõ vấn đề. Bên cạnh đó, cần phải thống nhất cách nhìn nhận về mục tiêu này để đạt được sự đoàn kết trong triển khai.
Giáo sư David L. Rogers - chuyên gia về chuyển đổi số - cho biết thêm, để đạt được sự thống nhất mà giáo sư Iyengar đưa ra, các đội nhóm trong doanh nghiệp, tổ chức cần thường xuyên tương tác với nhau. Các đội nhóm liên chức năng khi được tương tác và trao nguồn lực sẽ tạo ra được sự đồng nhất về góc nhìn.
“Sau khi tập hợp nhiều góc nhìn, đưa ra nhiều ý tưởng và xác định hướng chung thống nhất, chúng ta cũng cần phải đi tới người dùng cuối là khách hàng để kiểm chứng lại tính hợp lý và hiệu quả”, ông Rogers nhấn mạnh./.