Vòng quanh Tết cổ truyền châu Á

Không chỉ có Việt Nam, Tết Nguyên đán ở nhiều quốc gia các nước châu Á cũng rất quan trọng và mang nhiều nét riêng thú vị khác nhau.

Ở các nước châu Á, Tết Nguyên đán dù với phong tục khác nhau nhưng về ý nghĩa chung đây là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp để đón chào năm mới bình an và hạnh phúc.

Trung Quốc

Cũng giống như Việt Nam, Tết cổ truyền Trung Quốc còn được gọi là Lễ hội mùa Xuân, là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8/12 âm lịch, mọi người Hoa trên từ khắp tứ phương lại kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình, thờ cúng tổ tiên.

Vào dịp năm mới, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.

Vì vậy, đến Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ thấy ngập tràn sắc đỏ. Đó là màu đỏ của đèn lồng, của câu đối, của sắc áo truyền thống… Còn trẻ em và người già thường được mừng tuổi, gọi là lì xì, tiền đựng trong bao đỏ để lấy may.

Mỗi năm, trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi.

Singapore

Chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Trung Quốc, Tết Nguyên đán hay còn được coi là Lễ hội mùa xuân tại Singapore là ngày lễ được trông đợi nhất đối với không chỉ cộng đồng người Trung Quốc tại đây, mà còn cả những người dân Singapore. Ngày Tết của người dân nơi đây kéo dài tới 15 ngày, từ đêm Giao thừa đến hết ngày 15 tháng Giêng. Trong thời gian này, khắp nơi đều diễn ra các hoạt động vui xuân.

Cũng tương tự như một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Tết cổ truyền tại Singapore là dịp để gia đình quây quần bên nhau đón năm mới và bày tỏ lòng thành đối với tổ tiên. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ để quét đi mọi điều tồi tệ của năm cũ và đón những điều may mắn của năm mới vào nhà. Người người diện quần áo mới đi thăm hỏi họ hàng và trẻ em sẽ được phát những phong bao lì xì đỏ đựng tiền tượng trưng cho sự may mắn.

Điều thú vị trong dịp Tết Âm lịch của người Singapore đó là họ rất thích ăn quýt và cá. Nguyên do là bởi chữ “quýt” đọc gần với chữ “cát” trong “đại cát đại lợi”. Do đó, ăn quýt có thể mang lại hạnh phúc, may mắn. Còn “cá” gần với chữ “dư” trong tiếng Trung thể hiện sự dồi dào, dư dả.

Thái Lan

Khác hẳn với những nước châu Á, Thái Lan lại đón năm mới vào tháng 4 Dương lịch, cụ thể là từ ngày 13-15/4 hàng năm và Tết cổ truyền này còn có tên gọi khác là Songkran. Người dân nơi đây sẽ đón Tết bằng cách té nước vào nhau để mong gặp được sự may mắn trong năm mới. Do đó, những người được té càng nhiều nước thì càng may mắn.

Bên cạnh đó, trong dịp này, người dân Thái Lan còn nấu các món ăn truyền thống và mặc rất nhiều trang phục đẹp mắt. Cùng với đó là nhiều cuộc diễu hành hay các lễ hội khác nhau cũng được tổ chức rất sôi động, nhộn nhịp.

Lào

Một đất nước có phong tục đón Tết độc đáo, thú vị chẳng kém ở châu Á, đó chính là Lào. Tết đón năm mới của người Lào được gọi là Bunpimay (hay Tết “Buộc chỉ cổ tay”, Lễ hội “Hốt Nậm” – Té nước, cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc).

Trong những ngày này, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Bởi trong tiếng Lào, lạp có nghĩa lộc, được xem như linh hồn của người Lào trong năm mới. Người ta có thể đem món lạp chúc Tết lẫn nhau, nhà nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều lộc.

Lạp thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món này mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của chúng. Đặc biệt với những người làm nghề kinh doanh, lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, bởi nếu không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui.

Trong ngày Tết, nước Lào thường có phong tục biếu vải, biếu khăn cho người già. Ban ngày người ta đến đền chùa cầu nguyện. Buổi tối thì tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam) và múa lam vong. Người Lào sử dụng hoa trong ngày Tết để cầu may, có hai loại hoa: hoa Muồng (bò cạp vàng, hoa hoàng hậu) được người dân cài trên xe, trang trí trong nhà. Còn hoa Champa được người dân kết thành chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành.

Hàn Quốc

Seollal (Tết truyền thống theo Âm lịch của Hàn Quốc) là một trong những dịp lễ quan trọng nhất ở xứ sở kim chi, thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Theo phong tục truyền thống, vào ngày 30 Tết, nhà nhà đã lo dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa được dùng để xua đuổi tà ma, bởi tương truyền tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.

Đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy. Vào dịp Tết, mọi người đều mặc hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, cả gia đình cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên.

Theo đó, nghi lễ đầu tiên sẽ diễn ra là Charye, tức là các thành viên sẽ bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Tiếp theo là nghi lễ Sebae, còn gọi là Sebaedon - lớp trẻ sẽ tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi trong gia đình và nhận tiền mừng tuổi.

Người Hàn Quốc có quy định rõ ràng về mâm cỗ cúng ngày đầu năm. Theo phong tục, mâm lễ phải chia làm 5 hàng, với khoảng hơn 20 món ăn gồm có canh bánh gạo nếp Tteokguk, rượu, bánh Tteok truyền thống, cá, nhiều loại bánh rau chiên, hoa quả. Những mâm lễ này được đặt dưới bài vị tổ tiên, theo thứ tự từ trên xuống dưới. Ở Hàn Quốc, thay vì hỏi tuổi họ sẽ hỏi “bạn đã ăn Tteokguk được bao nhiêu lần rồi?”. Bởi vì theo quan niệm của người Hàn, nếu ăn một bát canh bánh gạo Tteokguk thì có nghĩa là đã lớn thêm một tuổi.

Triều Tiên

Tết năm mới ở Triều Tiên được gọi là Seol. Trong dịp Tết, người dân Triều Tiên thường đến nhà họ hàng, thầy cô, bạn bè hoặc đến đặt hoa ở tượng đài cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và chụp ảnh ở đó.

Nếu như người Hàn Quốc thích ăn canh bánh gạo trong ngày đầu năm mới thì người dân Triều Tiên lại thích ăn bánh songpyeon, một loại bánh gạo nặn theo hình trăng lưỡi liềm thể hiện quan niệm sống “Trăng khuyết rồi trăng lại tròn” như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ.

Nhưng cũng giống như những nước châu Á khác, trong những ngày đầu năm mới, người dân Triều Tiên cũng có những nghi lễ đặc biệt để tưởng nhớ tổ tiên của mình. Sau nghi lễ chúc phúc năm mới, trẻ con ùa ra đường chơi cùng nhau, bé trai cùng nhau thả diều và chơi quay; các bé gái thì chơi bập bênh hoặc rủ nhau nhảy dây. Còn ở trong nhà, người lớn sẽ chơi bài hoặc các trò chơi cổ truyền của người Triều Tiên. Tết năm mới ở Triều Tiên là thời gian để mọi người sum họp quây quần bên gia đình.

Mông Cổ

Một trong hai dịp lễ lớn nhất ở Mông Cổ chính là Tết Âm lịch hay còn gọi là Tết Tháng Trắng. Đây không chỉ là một ngày lễ báo hiệu kết thúc mùa đông dài và lạnh lẽo, đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm để gia đình sum vầy và thắt chặt mối quan hệ.

Để chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng này, người Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, tắm rửa, mặc quần áo mới, để đón năm mới “sạch sẽ”. Món ăn truyền thống trong Tết Tháng trắng là các sản phẩm làm từ sữa, bánh, thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, cơm ăn cùng với sữa đông hay cơm ăn chung với nho khô…

Q.T

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/vong-quanh-tet-co-truyen-chau-a-491808.html