Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Nhà thầu đề nghị hủy án sơ thẩm
Các nhà thầu nước ngoài cho rằng chất lượng công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đủ tiêu chuẩn nên không chấp nhận bồi thường.
Ngày 26-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm đầu tư công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo, bị đơn dân sự, những người liên quan. Có 10 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin hưởng án treo về các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị đơn dân sự kháng cáo về phần trách nhiệm bồi thường.
Theo bản án sơ thẩm, 5 nhà thầu gồm Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) cùng 4 nhà thầu Hàn Quốc, Trung Quốc tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị cấp sơ thẩm tuyên phải bồi thường thiệt hại cho VEC số tiền 460 tỉ đồng.
Trong đó, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) bồi thường cho gói A1 giá trị 47,5 tỉ đồng; Tập đoàn công trình giao thông tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) gói A2 giá trị 129 tỉ đồng; Tập đoàn xây dựng tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) bồi thường gói A3 trị giá 85 tỉ đồng; Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) gói A4 trị giá 127 tỉ đồng và Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc) bồi thường gói A4 trị giá 71 tỉ đồng.
Tại tòa, đại diện Tập đoàn Posco cho biết đơn vị kháng cáo đề nghị hủy án sơ thẩm để làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên liên quan… Theo Posco, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vẫn đang vận hành, khai thác bình thường, đặc biệt là đoạn đường của gói thầu A5.
Liên quan đến gói thầu A5, phía Posco cho rằng không có hư hại nghiêm trọng xảy ra trên mặt đường mà chỉ có một số lỗi nhỏ nhưng đã được khắc phục trong thời gian ngắn, đảm bảo giao thông bình thường.
Chủ tọa phiên tòa giải thích rằng các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình và họ đang bị xét xử theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Các bị cáo bị quy kết đưa vật liệu không đảm bảo vào thi công, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo kỹ thuật…
Tuy nhiên, đại diện Posco kiên quyết khẳng định không đưa vật liệu kém chất lượng vào công trình.
Đại diện của Tập đoàn Sơn Đông (Trung Quốc) cũng cho biết đoạn đường liên quan đến gói thầu A2 vẫn hoạt động bình thường.
Thi công gói thầu A3, đại diện Tập đoàn Giang Tô (Trung Quốc) đề nghị hủy một phần trách nhiệm dân sự, tách ra giải quyết trong vụ án khác vì phương pháp giám định, số liệu trong kết luận giám định không khách quan dẫn đến cách tính thiệt hại chưa đúng. Ngoài ra, theo vị đại diện, bằng cảm quan, chất lượng công trình cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là đủ tiêu chuẩn.
Ở giai đoạn sơ thẩm, phía các nhà thầu nước ngoài cũng cho rằng chất lượng công trình vẫn đảm bảo, "các thiếu sót hỏng hóc chỉ mang tính cục bộ, sửa chữa được", "giám định kết luận không đúng, không chính xác, không đủ sức thuyết phục"…
Tuy nhiên, khi nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS đã chỉ ra dự án khi mới đưa vào sử dụng đã xảy ra điểm hư hỏng trên mặt đường, đã được dư luận xã hội phản ánh, báo chí đã nói rất nhiều về thi công, nghiệm thu con đường có nhiều vấn đề.
Giai đoạn 1 có 380 điểm phỏng (bong tróc trong mặt đường), giai đoạn 2 có 162 điểm phỏng. Chủ đầu tư đều thông báo đến nhà thầu, nhà thầu đã nhận được, xác nhận và sửa chữa, không thể nói là không biết gì về hư hỏng.
Về trách nhiệm dân sự, vụ án được xác định có hậu quả đặc biệt lớn, trên 460 tỉ đồng. Số tiền trên có nguồn gốc Nhà nước vay vốn chủ yếu của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Theo đại diện VKS cấp sơ thẩm, theo dòng tiền thì nhà thầu đang sử dụng số tiền này cho nên các gói thầu mà người của nhà thầu phạm tội thì nhà thầu phải có trách nhiệm bồi thường cho VEC số tiền đó. Đối với các bị cáo không thuộc nhà thầu, chủ đầu tư, Ban QLDA thì nhà thầu vẫn phải hoàn trả lại số tiền đã được thanh toán cho gói thầu đó cho chủ đầu tư.
Bản án sơ thẩm đã buộc các nhà thầu phải liên đới bồi thường 460 tỉ đồng như đã nêu trên và dành quyền yêu cầu bồi hoàn đối với các bị cáo cho các nhà thầu, nếu cần thiết thì giải quyết trong vụ án dân sự khác.