Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Quan điểm bào chữa của luật sư
Luật sư cho rằng việc tách vụ án thành hai giai đoạn đã làm nặng thêm hậu quả pháp lý cho các bị cáo.
Ngày 20-10, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 22 bị cáo vụ sai phạm xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2) gây thiệt hại cho Nhà nước 460 tỉ đồng.
Tranh luận về việc tách vụ án
Theo cáo buộc, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140 km.
Trong đó, giai đoạn 2 dài hơn 74 km, từ Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, thông xe vào tháng 9-2018 nhưng vừa đi vào sử dụng đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông.
Các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư dự án, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã có nhiều sai phạm khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa vào vận hành và hư hỏng sau đó, gây thiệt hại hơn 460 tỉ đồng tại giai đoạn 2.
Tại tòa, bào chữa cho bị cáo Lê Quang Hào, cựu phó tổng giám đốc VEC, luật sư cho rằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một dự án thống nhất. Bị cáo Hào chỉ có một hành vi sai phạm trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Việc tách dự án này thành hai giai đoạn, hay chính xác hơn, tách hành vi cấu thành tội phạm liên tục và kéo dài của các bị cáo thành hành vi độc lập, dẫn đến điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo theo hai tội, đã làm nặng thêm hậu quả pháp lý cho các bị cáo.
Tương tự, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến Thành (cựu giám đốc ban quản lý dự án) cũng cho rằng việc tách sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi làm hai vụ án là không thỏa đáng, dù với lý do “chờ kết luận giám định”. Đồng thời, luật sư này cũng nêu vấn đề vi phạm thời gian giám định và cho rằng điều này đã làm ảnh hưởng quyền lợi của bị cáo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc VEC) cho rằng vụ án này thời gian phạm tội của bị cáo Hùng là từ ngày 15-1-2015 đến 25-4-2017 và từ ngày 18-1-2018 đến 22-6-2018, tính theo thời điểm bị cáo được giao chịu trách nhiệm “phụ trách dự án và trực tiếp làm chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở”.
Nhưng trong bản án của giai đoạn 1, thời gian bị cáo chịu trách nhiệm từ ngày 15-1-2015 đến 22-6-2018. Như vậy, bị cáo có bị truy tố lặp không?
Bị cáo bồi thường, nhà thầu bồi hoàn
Trước đó, trong phần luận tội, về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa buộc 22 bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các nhà thầu thi công tuyến đường phải bồi hoàn theo hợp đồng.
Theo cáo buộc, các bị cáo đã có nhiều sai phạm khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa vào vận hành và hư hỏng sau đó, gây thiệt hại hơn 460 tỉ đồng tại giai đoạn 2.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Việt Hưng, cựu giám đốc Ban quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho rằng việc VEC vừa được các bị cáo phải bồi thường theo bản án hình sự, vừa được các nhà thầu bồi hoàn theo hợp đồng sẽ giúp VEC được lợi. Trong khi đó, chính doanh nghiệp này trong vai trò nguyên đơn dân sự đã yêu cầu các nhà thầu bồi thường, không phải các bị cáo.
Cụ thể, tại tòa trước đó, đại diện VEC mong HĐXX nếu xác định các nhà thầu thi công có sai phạm gây thiệt hại cho chủ đầu tư thì phải bồi thường theo đúng quy định pháp luật và thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó.
Kết quả điều tra xác định giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền là 460 tỉ đồng.
Cạnh đó, đại diện VEC không yêu cầu các bị cáo bồi thường, đồng thời cho rằng các bị cáo đều là nhân viên, chuyên gia có đóng góp cho ngành giao thông vận tải, có nhiều bằng khen, giấy khen và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ.
Cũng theo đại diện VEC, bản án giai đoạn 1 đã đủ sức răn đe đối với các bị cáo. Một số tài sản của các bị cáo bị kê biên, phong tỏa, ngừng giao dịch. VEC không yêu cầu các bị cáo bồi thường nên đề nghị HĐXX hủy bỏ biện pháp ngăn chặn này.
Luật sư cũng cho rằng tại giai đoạn 1 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bản án có hiệu lực pháp luật đã buộc nhà thầu phải bồi thường, không phải các bị cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, nguyên đơn dân sự là VEC. Các bị đơn dân sự gồm Tổng Công ty Xây dựng số 1, Lotte E&C, Posco E&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Sơn Đông, Tập đoàn Giang Tô (Trung Quốc).
Cựu tổng giám đốc VEC bị đề nghị 5,5-7 năm tù
Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tám (cựu tổng giám đốc VEC) 3-4 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, từ hai năm sáu tháng đến ba năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung 5,5-7 năm tù.
Cùng về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, VKS đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc VEC) 3-4 năm tù, Lê Quang Hào (cựu phó tổng giám đốc VEC) 2-3 năm tù.
Bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên VEC) bị đề nghị mức án 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo khác bị đề nghị mức án 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến bảy năm sáu tháng tù.