Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Tranh cãi về việc 'cắt khúc' vụ án
Ngày 20-10, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư. Nêu quan điểm bào chữa, nhiều luật sư đề cập việc tách vụ án thành hai giai đoạn và cho rằng điều này khiến các bị cáo bị xử lý hai lần về cùng một hành vi.
Theo luật sư Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo Lê Quang Hào - cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một dự án thống nhất. Bị cáo Hào chỉ có một hành vi sai phạm trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Việc tách dự án này thành hai giai đoạn, hay chính xác hơn, tách hành vi cấu thành tội phạm liên tục và kéo dài của các bị cáo thành những hành vi độc lập, dẫn đến điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo theo hai tội đã làm nặng thêm hậu quả pháp lý cho các bị cáo.
“Trong khi đó có một nguyên tắc được áp dụng trong cả xử lý đảng viên vi phạm, xử lý hành vi vi phạm hành chính và xử lý hành vi cấu thành tội phạm hình sự, đó là cùng một hành vi thì không xử lý hai lần’’- luật sư Đinh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tương tự, luật sư Nguyễn Thị Thu, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến Thành (cựu Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cũng cho rằng, việc tách vụ án thành hai giai đoạn sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ra làm 2 vụ án là không thỏa đáng, dù với lý do "chờ kết luận giám định”.
Đặc biệt, luật sư Thu nêu vấn đề vi phạm thời gian giám định ảnh hưởng quyền lợi của các bị cáo, trong đó có bị cáo Thành. Theo đó, tính từ thời điểm Cơ quan giám định nhận đủ hồ sơ đến ngày ban hành Kết luận giám định sau cùng thì thời gian giám định đã kéo dài hơn 23 tháng.
Ở vụ án giai đoạn 1, bị cáo Thành bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù và đến nay bị cáo bị tạm giam gần 4 năm để chờ xét xử tiếp giai đoạn hai. Việc này khiến bị cáo mất đi cơ hội được xét giảm án; xét ân xá, đặc xá...
“Do lỗi vi phạm thời hạn giám định nghiêm trọng nên bị cáo Thành vẫn đang bị tạm giam và đang bị xét xử vụ án thứ hai với cùng một hành vi trong cùng một dự án, cùng một quyết định khởi tố vụ án ban đầu và cùng một tội danh’’- luật sư Thu nhấn mạnh
Về phần mình, luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó tổng giám đốc VEC) nêu, trong vụ án này thời gian phạm tội của bị cáo Hùng là từ ngày 15-1-2015 đến ngày 25-4-2017 và từ ngày 18-1-2018 đến ngày 22-6-2018, tính theo thời điểm bị cáo được giao chịu trách nhiệm “Phụ trách dự án và trực tiếp làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở”. Nhưng trong bản án của giai đoạn 1, thời gian bị cáo chịu trách nhiệm từ ngày 15-1-2015 đến 22-6-2018. Như vậy, có bị truy tố lặp không?
Trước đó, nhiều bị cáo trong vụ án khẳng định dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một dự án thống nhất; họ không hiểu sao cơ quan điều tra tách ra làm 2 giai đoạn để xử lý.
Tại phần luận tội các bị cáo, về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát đề nghị tòa buộc 22 bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các nhà thầu thi công tuyến đường phải bồi hoàn theo hợp đồng.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, bào chữa cho bị cáo Hoàng Việt Hưng (cựu Giám đốc Ban quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), việc này sẽ giúp VEC được lợi khi doanh nghiệp vừa được các bị cáo phải bồi thường theo bản án hình sự, lại vừa được các nhà thầu bồi hoàn theo hợp đồng.
Trong khi đó, chính doanh nghiệp này trong vai trò nguyên đơn dân sự đã yêu cầu các nhà thầu bồi thường, không phải các bị cáo.
Tương tự, luật sư Đinh Anh Tuấn cho hay tại vụ án giai đoạn 1 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bản án có hiệu lực pháp luật đã buộc nhà thầu phải bồi thường, không phải các bị cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, nguyên đơn dân sự là VEC. Các bị đơn dân sự gồm Tổng công ty xây dựng số 1, Lotte E&C, Posco E&C (Hà Quốc) Tập đoàn Sơn Đông, Tập đoàn Giang Tô (Trung Quốc).