'Vua đầu bếp' cũng phải bái phục...

So với thế giới, ẩm thực Việt khó đua được với những món ăn đắt tiền nhưng lại 'ăn đứt' ở những món tưởng như giản đơn nhưng ẩn bên trong lại là sự chế biến rất công phu.

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương...

So với thế giới, ẩm thực Việt khó đua được với những món ăn đắt tiền nhưng lại “ăn đứt” ở những món tưởng như giản đơn nhưng ẩn bên trong lại là sự chế biến rất công phu.

Hà Nội không chỉ nổi tiếng với phở, với bánh cuốn Thanh Trì... mà món bún chả cũng danh giá. Ngày 23/5/2016, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Barak Obama cùng “vua đầu bếp” Anthony Bourdain đã ghé lại thưởng thức món bún chả tại một quán ăn bình dân trên phố Lê Văn Hưu (Hà Nội). Vài năm sau khi “vua đầu bếp” Bourdain mất, ông Obama đã chia sẻ tấm ảnh hai người ăn bún chả Hà Nội, cùng những câu: “Chiếc ghế nhựa thấp, món bún rẻ nhưng ngon tuyệt, bia Hà Nội mát lạnh. Chúng tôi sẽ nhớ anh”.

Cách đây chưa lâu, năm 2019, Yougov - tổ chức nghiên cứu tại Anh Quốc tiến hành một cuộc khảo sát mang tên “Khảo sát ẩm thực toàn cầu” về những món ăn được yêu thích nhất thế giới, dựa trên đánh giá của hơn 25.000 người đến từ 34 quốc gia. Ẩm thực Việt Nam xếp vị trí 13 trên bảng xếp hạng. Phía trên hầu hết đều là các ứng cử viên nặng ký, đó là Ý, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ… Theo Yougov, trên thế giới này hễ ở đâu có người Việt thì có món phở. Phở của người Việt lọt vào danh sách 30 món ăn ngon nhất thế giới do CNN bình chọn. Còn tại nước Anh, đường Kingsland ở Thủ đô London, nhiều người đã quen gọi là “phố phở”. “Phở Việt Nam đã âm thầm chinh phục khách hàng khó tính nước Anh, để hương vị của bánh phở, thịt bò, nước ninh xương trở nên thân quen với nhiều người” - nhận xét của Yougov.

Một câu chuyện khá vui khác, được kể bởi Gordon Ramsay - giám khảo chương trình “Siêu đầu bếp Mỹ”. Vị đầu bếp nổi tiếng này đã từng có một chuyến đi “khám phá và học hỏi” về ẩm thực Việt Nam. Gordon đã hoàn toàn bị ẩm thực Việt Nam chinh phục. Gordon mô tả đây là một món ăn giản dị nhưng tinh tế và yêu cầu sự tỉ mỉ cực độ mà chỉ có đôi bàn tay vô cùng khéo léo của người phụ nữ Việt Nam mới làm được.

Du lịch của bất cứ quốc gia nào để phát triển cũng đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó ẩm thực nổi lên với tư cách “điểm nhấn”. Mà điểm nhấn đó, may thay, Việt Nam ta lại “có sẵn”. Suốt từ Bắc chí Nam, núi cao hay đồng bằng, thành thị hay nông thôn, duyên hải hay rừng núi... ở đâu cũng có món ngon, món độc đáo. Trong sự giao tiếp với thế giới, nhiều thứ đổi thay để hòa nhập, nhưng có lẽ ẩm thực Việt Nam vẫn giữ được hồn cốt nhất.

Nói ví dụ, món mì Quảng của Việt Nam không thể lẫn với món mì cổ truyền được người Trung Quốc rất tự hào có tên là “mì đậy nắp Trấn Giang”; hay món mì “gây bão thế giới” Spaghetti của người Ý. Đến như chiếc bánh mì vốn du nhập từ bên ngoài, nhưng lại được các “đầu bếp vô danh góc phố” người Việt chế biến khiến du khách Âu - Mỹ cũng phải ngạc nhiên vì độ ngon và sự tinh tế.

Năm 2022, UNESCO đã công nhận bánh mì của Pháp là di sản văn hóa phi vật thể. Cuối thế kỷ 19, bánh mì Pháp vào Việt Nam. Theo thời gian, nhờ sự sáng tạo và biến tấu của người dân, bánh mì Việt Nam đã trở thành thương hiệu riêng. Cũng ít người biết rằng, ngày 23/3/2011, “bánh mì” chính thức được thêm vào từ điển Oxford với tư cách là một danh từ riêng. Đến Việt Nam, khách nước ngoài khi mua cũng gọi là “bánh mì”, thay vì gọi là baguette, sandwich - những cái tên tưởng không thể thay thế đối với món ăn này...

Hà An

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vua-dau-bep-cung-phai-bai-phuc-5720815.html