WHO chấp thuận xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ đầu tiên

Người nhiễm HIV bị suy giảm hệ thống miễn dịch, sức đề kháng thấp... sẽ dễ bị đồng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hơn.

Người nhiễm HIV dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn

Theo BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đậu mùa khỉ đã trở thành bệnh lưu hành, vì vậy bất kỳ địa phương nào, thời điểm nào cũng có thể xuất hiện ổ dịch.

Hầu hết ca bệnh là nam, có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam. Số liệu thống kê tại Việt Nam cũng cho thấy có tới phần lớn người bệnh đồng nhiễm HIV. Nguyên nhân là do khi nhiễm HIV, hệ miễn dịch, sức đề kháng thấp hơn nên dễ dàng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hơn.

Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với người bình thường. Ngoài ra, nhóm này cũng có nguy cơ cao nhiễm HIV nên đôi khi gặp tình trạng đồng nhiễm đậu mùa khỉ và HIV.

Người nhiễm HIV bị suy giảm hệ thống miễn dịch nên dễ mắc bệnh đồng nhiễm HIV/đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là HIV/AIDS và đậu mùa khỉ liên quan mật thiết với nhau.

Virus đậu mùa khỉ và virus HIV không liên quan đến nhau, nhưng người nhiễm HIV có hệ miễn dịch yếu dễ mắc đậu mùa khỉ hơn.

Virus đậu mùa khỉ và virus HIV không liên quan đến nhau, nhưng người nhiễm HIV có hệ miễn dịch yếu dễ mắc đậu mùa khỉ hơn.

Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi, nhà khoa học đạt giải Nobel Y học năm 2008 cho công trình nghiên cứu tìm ra virus HIV cho biết, virus đậu mùa khỉ và virus HIV không liên quan đến nhau. Bệnh đậu mùa khỉ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và trước đó người ta đã sử dụng vaccine đậu mùa để chặn đứng dịch bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, có thể khẳng định không có mối quan hệ giữa bệnh đậu mùa khỉ và HIV, chỉ có thể có một số bệnh nhân đã mắc HIV rồi có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Xét nghiệm chẩn đoán mpox đầu tiên

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã đưa xét nghiệm chẩn đoán in vitro (IVD) mpox (đậu mùa khỉ) đầu tiên vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL). Đây là một bước quan trọng trong việc cải thiện khả năng tiếp cận xét nghiệm mpox trên toàn cầu.

Việc phê duyệt sử dụng khẩn cấp xét nghiệm Alinity m MPXV do Abbott Molecular Inc. sản xuất, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng năng lực chẩn đoán ở các quốc gia đang phải đối mặt với dịch bệnh đậu mùa khỉ. Chẩn đoán sớm mpox giúp điều trị và chăm sóc kịp thời, cũng như kiểm soát được virus.

Xét nghiệm Alinity m MPXV là xét nghiệm PCR thời gian thực cho phép phát hiện DNA của virus đậu khỉ (nhóm I/II) từ tăm bông tổn thương da ở người. Xét nghiệm này được thiết kế riêng để sử dụng bởi nhân viên phòng xét nghiệm lâm sàng được đào tạo, thành thạo các kỹ thuật PCR và quy trình IVD. Bằng cách phát hiện DNA từ các mẫu phát ban mụn mủ hoặc mụn nước, nhân viên phòng xét nghiệm và nhân viên y tế có thể xác nhận các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu khỉ một cách hiệu quả.

TS. Yukiko Nakatani, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về Tiếp cận Thuốc và Sản phẩm Y tế cho biết, xét nghiệm chẩn đoán mpox đầu tiên được liệt kê theo quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận xét nghiệm tại các quốc gia bị ảnh hưởng. Việc tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm y tế đảm bảo chất lượng là trọng tâm trong nỗ lực của chúng tôi nhằm hỗ trợ các quốc gia ngăn chặn sự lây lan của virus và bảo vệ người dân, đặc biệt là ở các khu vực thiếu dịch vụ.

Phòng ngừa đậu mùa khỉ ở người nhiễm HIV như thế nào?

Người nhiễm HIV do có sức đề kháng kém hơn nên dễ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn những nhóm khác.

Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Không chỉ ở nhóm nam MSM mà bất kỳ ai tiếp xúc gần với người bị lây nhiễm đậu mùa khỉ đều có nguy cơ mắc bệnh.

Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh đậu mùa khỉ:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

- Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

- Bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe…

Ngọc Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/who-chap-thuan-xet-nghiem-chan-doan-dau-mua-khi-dau-tien-169241005152044015.htm