Xây dựng chương trình hỗ trợ riêng để tận dụng hiệp định thương mại tự do
Với việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), cơ hội rất rộng mở cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, hiện khu vực doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài lại tận dụng rất tốt các FTA, còn DN nội, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, việc tận dụng còn tương đối hạn chế.
Nhiều cam kết hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch lên các chương trình hỗ trợ DN tận dụng FTA đều đã có ngay từ trong các điều khoản cam kết. Ví dụ, trong cam kết của CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương) chẳng hạn, có riêng một chương về DN nhỏ và vừa (DNNVV), tức là khi đàm phán thì các nước cũng đã quan tâm đến việc làm thế nào để tạo điều kiện hơn cho các DNNVV, thể hiện sự khác biệt về phương thức hỗ trợ với các DN lớn. Đây chính là cơ sở cam kết quốc tế để triển khai hỗ trợ DNNVV.
Ngoài ra, việc hỗ trợ DNNVV cũng có thêm các thuận lợi khác như không chỉ là các chính sách vĩ mô mà chính trong kế hoạch thực thi FTA, Chính phủ cũng đã quy định rõ phải có các biện pháp hỗ trợ để cho DN tận dụng FTA. Bên cạnh đó, thực tế, hiện lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng đã có tư duy và nhiều hoạt động hỗ trợ DN. “Có thể thấy hỗ trợ DN đã trở thành một xu hướng trong suy nghĩ của Chính phủ hay của các cơ quan Bộ, ngành, hiệp hội” - ông Khanh nói.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, nếu muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng FTA thì cần phải suy nghĩ đến một chương trình hỗ trợ thống nhất từ Trung ương xuống địa phương cho các DNNVV hay các DN nói chung tận dụng các FTA thế hệ mới. Cụ thể như việc hỗ trợ DN tận dụng EVFTA (FTA Việt Nam - EU) hay CPTPP phải có những biện pháp, chính sách khác nhau bởi vì mỗi thị trường có những quy định riêng, những đặc thù riêng.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, Chính phủ và các Bộ, ngành đều có nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Ví dụ, Bộ KH&ĐT đã triển khai những hoạt động như đào tạo, tư vấn, nâng cấp DN thông qua hoạt động cử chuyên gia tư vấn để đánh giá DN về những điểm yếu, những điểm chưa đạt được, qua đó chuyên gia sẽ giúp cho DN xây dựng lại các kế hoạch kinh doanh, những chiến lược định hướng về thị trường, thậm chí cả việc tiếp cận thị trường ngách ra sao và cả cách thức hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của các FTA.
Cần có chương trình hỗ trợ riêng cho từng thị trường
Bà Bùi Thu Thủy cho rằng, các cơ quan trung ương và địa phương đã và đang thực hiện rất nhiều hỗ trợ cho DN nhưng “đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại để những hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm”. Ngoài ra, theo bà Thủy, các cơ quan nhà nước thường rất mong muốn hỗ trợ, thiết kế những chính sách cho DN nhưng thực tế đến lúc thực thi thì vướng rất nhiều lý do. Do đó, theo bà Thủy, các Bộ, ngành cần phải phối hợp với các hiệp hội để bàn xem đưa ra những chính sách nào thì DN sẽ phát huy được hơn những ưu thế, những cơ hội của FTA.
“Tôi cho rằng có thể cần phải có một chương trình chuyên sâu hơn, ngoài xúc tiến thương mại, ngoài hỗ trợ nâng cấp thông thường thì phải có riêng một gói cho các DN xuất khẩu để đáp ứng được, tận dụng được yêu cầu của FTA. Tức là để đáp ứng được các tiêu chuẩn thì rõ ràng mình tiếp tục phải có những hỗ trợ để nâng cấp DN, giúp cho DN thay đổi quy trình, đáp ứng được các tiêu chuẩn” - bà Thủy nói.
Ngoài ra, bà Thủy cho biết thêm, Bộ KH&ĐT cũng đang có kế hoạch phải rà soát để sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV để đưa ra những chính sách dành riêng cho các nhóm DN này và đi theo các gói hỗ trợ chuyên sâu, chuyên biệt hơn, sẽ không hỗ trợ chung chung như hiện nay.
Đáng chú ý, bà Thủy cho rằng, có thể phải phối hợp với ngành ngân hàng để thúc đẩy giải ngân tín dụng thuận lợi. Ví dụ, ở nhiều nước trong các thị trường có FTA thường có hình thức cấp vốn theo chuỗi giá trị. Có nghĩa không cần DN phải có quá nhiều tài sản thế chấp nhưng khi biết DN đấy đã tham gia được vào chuỗi và đã có nhà mua chờ sẵn thì ngân hàng sẽ cho vay với thế chấp chính bằng chuỗi giá trị này. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ cần DN có đầu ra thì ngân hàng sẵn sàng cung cấp vốn.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp rất chặt chẽ với các ngành và các hiệp hội để thiết kế lại các cách thức hỗ trợ cũng như sẽ phải phối hợp với bên ngành tài chính để có quy trình cũng như cách thức để DN hấp thụ tốt hơn những chính sách hỗ trợ” - bà Thủy thông tin.
Ông Ngô Chung Khanh cũng cho rằng, từ góc độ của cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cũng nhận thấy, phải có chương trình hỗ trợ dành riêng cho các FTA; đồng thời phải phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương để làm sao thống nhất được các chương trình và tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có. “Chúng tôi hy vọng rằng có thể phối hợp được để xây dựng chi tiết hơn cho từng hiệp định. Thị trường thì khó nhưng hỗ trợ theo từng hiệp định thì sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa được các nguồn lực” - ông Khanh nói.