Xây dựng đội ngũ nhà giáo 'Giỏi lý thuyết-thạo kỹ năng'
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề có kỹ năng sư phạm tốt, vững vàng về chuyên môn và thạo kỹ năng thực hành.
Xuất thân là học viên, trưởng thành trong quá trình học tập, phấn đấu, đến nay, thầy giáo Nguyễn Văn Linh đã đứng trong đội ngũ giáo viên dạy nghề có chuyên môn tốt của Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt Xô.
Thầy Linh cho biết: Năm 2012, tôi được lựa chọn làm đại diện của Việt Nam tham gia Hội thi tay nghề ASEAN môn ốp lát tường và sàn. Ở kỳ thi đó, tôi đã đoạt Huy chương Vàng. Tiếp đó, tôi nhận được chứng chỉ nghề xuất sắc thế giới tại Cộng hòa liên bang Đức. Với những thành tích đó, tôi được Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt Xô giữ lại làm giáo viên. Nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi được học lên đại học, hoàn thiện mọi yêu cầu để trở thành giáo viên cơ hữu của nhà trường.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt Xô cho biết: Những năm gần đây, nhà trường rất khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em sinh viên trong nhà trường phấn đấu, rèn luyện để có thể ở lại tham gia công tác giảng dạy sau khi tốt nghiệp. Giáo viên dạy nghề khác với giáo viên dạy văn hóa ở chỗ, ngoài việc có kỹ năng sư phạm, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ thì giáo viên dạy nghề còn phải là một công nhân thực thụ, có tay nghề giỏi.
Thực tế cho thấy, đối với các nhà giáo đầu vào tuyển dụng là học sinh, sinh viên đạt giải cao tại các kỳ thi Kỹ năng nghề, họ là những người có kỹ năng nghề rất tốt, khả năng tiếp nhận công nghệ mới trong lĩnh vực nghề nghiệp cũng rất nhanh. Do đó, sau khi hoàn thành chương trình học đại học, họ đáp ứng ngay yêu cầu giảng dạy cả lý thuyết và thực hành cũng như giảng dạy Mô đun tích hợp. Trong khi đó, nếu đối tượng đầu vào là các sinh viên tốt nghiệp đại học thì họ mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy lý thuyết, ngoài ra, họ cần phải mất khoảng 2-3 năm để học và luyện tập kỹ năng nghề mới đảm bảo được kỹ năng nghề nghiệp.
Để các giảng viên, giáo viên đáp ứng được tiêu chuẩn dạy các chương trình chất lượng cao và đưa nhà trường trở thành trường trọng điểm chất lượng cao vào năm 2024, Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt Xô đã và đang tập trung bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, nhà trường đã có nhiều chính sách khuyến khích, động viên nhằm thu hút được các sinh viên giỏi, đạt giải cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, khu vực và thế giới tham gia công tác giảng dạy như: hỗ trợ học phí học đại học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm; hỗ trợ chỗ nghỉ, hưởng chế độ lương tăng thêm ngay từ ngày đầu ký hợp đồng…
Tính đến cuối tháng 12 năm 2023, toàn tỉnh có 816 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 247 người có trình độ trên đại học, 407 người có trình độ đại học, 162 người trình độ cao đẳng, trung cấp và trình độ khác. 100% giảng viên, giáo viên đạt chuẩn theo quy định. Đội ngũ nhà giáo đáp ứng được tiêu chí trường chất lượng cao. Trên 80% số nhà giáo trong các trường trung cấp và cao đẳng có thể dạy tích hợp cả lý thuyết và thực hành nghề.
Đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh về số lượng và có chất lượng tốt, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GDNN. Hằng năm, Tổng cục GDNN thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, năng lực cho từng vị trí công tác.
Ngoài ra, các cơ sở GDNN đã quan tâm bố trí cho đội ngũ nhà giáo tham gia các khóa đào tạo chuẩn hóa kỹ năng thực hành nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bảo đảm năng lực giảng dạy chương trình đào tạo nghề trọng điểm. Do vậy, số lượng và chất lượng của đội ngũ nhà giáo GDNN đều tăng lên, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm, năng lực sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Đặc biệt, hàng năm, tỉnh đều tổ chức kỳ thi hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các nhà giáo. Đây là dịp để đội ngũ các trường dạy nghề giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua trong các cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, khuyến khích giáo viên tích cực phát huy sáng kiến kỹ thuật, đổi mới phương pháp, thiết bị, đồ dùng giảng dạy, rèn luyện kỹ năng sư phạm.
Mục tiêu cơ bản của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN; ít nhất 70% cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; khoảng 100% chương trình đào tạo nghề được xây dựng trên cơ sở khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp; có 3 trường đạt chất lượng cao; khoảng 20 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 1 đến 3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh trong các nước ASEAN-4.
Đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao tại địa phương, bắt kịp trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Theo đánh giá của Đoàn công tác của Ban cán sự đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang dần trở thành địa chỉ uy tín để các học sinh lựa chọn theo học sau khi tốt nghiệp THCS, THPT và là địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp tìm đến khi có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để có thể cung cấp cho thị trường nguồn lao động có kỹ năng tốt, không có cách nào khác là các nhà trường cần phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó phải thực sự quan tâm, có chính sách và sự đầu tư đồng bộ để thu hút được đội ngũ giáo viên chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng sẽ là rào cản trong việc thu hút đội ngũ những người có chuyên môn, kỹ năng nghề cao như nghệ nhân, chuyên gia, người đào tạo là người của doanh nghiệp… tham gia đào tạo các cấp trình độ GDNN. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và mỗi nhà trường cũng cần tiếp tục có chính sách động viên, khen thưởng, vinh danh đối với những cán bộ quản lý GDNN giỏi, có như vậy, mới có thể xây dựng và giữ chân đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề giỏi.