Xây dựng đường gom nhằm giảm các điểm đen về TNGT đường sắt
Theo thống kê, những vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng thường xảy ra ở các tuyến đường ngang dân sinh do không có rào chắn, khuất tầm nhìn, thiếu hệ thống cảnh báo, đèn tín hiệu, mặt đường xấu, ý thức chủ quan của người tham gia giao thông... Để phòng tránh tai nạn đường sắt, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và học sinh trong khu vực, những năm qua các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Trong đó, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng đường gom đường sắt nhằm góp phần bảo đảm trật tự ATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn.
Theo thống kê, những vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng thường xảy ra ở các tuyến đường ngang dân sinh do không có rào chắn, khuất tầm nhìn, thiếu hệ thống cảnh báo, đèn tín hiệu, mặt đường xấu, ý thức chủ quan của người tham gia giao thông... Để phòng tránh tai nạn đường sắt, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và học sinh trong khu vực, những năm qua các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Trong đó, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng đường gom đường sắt nhằm góp phần bảo đảm trật tự ATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn.
Hà Nam có 2 tuyến đường sắt, trong đó tuyến đường sắt Bắc- Nam chiều dài 31 km và gần 10 km đường sắt chuyên dùng Phủ Lý – Kiện Khê. Hiện nhiều điểm đường ngang dân sinh qua đường sắt trái phép chưa được lắp đặt rào chắn bằng tôn hộ lan và qua khu dân cư ở một số địa phương chưa xây dựng đường gom đường sắt. Nhằm bảo đảm trật tự ATGT, giảm thiểu tối đa TNGT, những năm qua lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết với người dân, học sinh, hộ kinh doanh không vi phạm hành lang ATGT đường sắt; vận động người dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm lấn chiếm hành lang, không tự ý mở đường ngang dân sinh trái phép. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng, trật tự ATGT; đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng đường gom đường sắt.
Ông Hà Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Cần (Thanh Liêm) cho biết: Với hơn 2 km đường sắt đi qua địa bàn, trong đó có 33 đường ngang tự phát, những năm qua UBND xã tích cực phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm ATGT, chống lấn chiếm hành lang đường sắt. Tháng 9/2021 xã tổ chức giải tỏa các vi phạm, hàn rào chắn 21 lối mở tự phát. Đến nay, trên địa bàn đã xây dựng được hơn 800 m đường gom, tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng. Nhờ đó đã góp phần bảo đảm ATGT cho người dân sinh sống ven đường sắt.
Đoạn đường gom đường sắt qua xã Liêm Cần (Thanh Liêm) được xây dựng góp phần bảo đảm ATGT cho người dân sinh sống trong khu vực. Ảnh: Thống Thảo
Trên địa bàn thành phố Phủ Lý, để bảo đảm ATGT, những năm qua, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã rào tôn hộ lan tại đường ngang đường sắt thuộc tuyến đường Phan Trọng Tuệ giao cắt với đường sắt Bắc – Nam. Bên cạnh đó, UBND thành phố xây dựng đường gom dân sinh dọc đường sắt (đường Trương Công Giai) nối từ vị trí Km58+040 đường Nguyễn Đức Cảnh với đường Phan Trọng Tuệ đến vị trí Km57+106 đường Đinh Tiên Hoàng tại khu vực phường Thanh Châu. Còn tuyến đường sắt qua địa phận xã Liêm Chung có 10 lối mở tự phát, trong đó 3 lối đi có lưu lượng phương tiện lưu thông khá lớn, 7 lối đi chưa có biển báo, đèn tín hiệu, chốt gác, thường xảy ra các vụ tai nạn, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, tháng 3/2021, Bộ Công an đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, chốt gác chắn tự quản ở một số điểm qua đường ngang với mô hình điểm “Đoạn đường sắt ATGT”. Hiện nay, mô hình hoạt động hiệu quả đã góp phần hạn chế nguy cơ tai nạn, bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông qua địa bàn.
Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia đoạn qua địa bàn và phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm ATGT như: tổ chức cảnh giới, chốt gác tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường sắt; phân luồng giao thông ở lối đi tự mở nhằm giảm thiểu mật độ phương tiện và thu hẹp bề rộng lối đi tự mở, duy trì đầy đủ các biển cảnh báo. Bên cạnh đó, khẩn trương xử lý các lối đi tự mở mà hiện chưa xóa bỏ theo quy định của Luật Đường sắt; rà soát hồ sơ pháp lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các vị trí hành lang ATGT đường sắt bị lấn chiếm để giải quyết những tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở trên tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, ngày 14/10/2021 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, địa phận tỉnh Hà Nam với tổng mức đầu tư dự kiến trên 182 tỷ đồng. Nguồn vốn do ngân sách địa phương kết hợp ngân sách trung ương và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.
Theo đó, UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải thống nhất vị trí xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt ở các tuyến bên phải. Cụ thể, đoạn 1 từ Km60+612-Km62+500 với tổng chiều dài 1.888m, trong đó tại thành phố Phủ Lý đoạn từ Km60+612-Km61+062 chiều dài 450m và đoạn từ Km61+062-Km62+500 (Thanh Liêm) chiều dài 1.438m; đoạn 2 từ Km63+295 - Km64+575 (Thanh Liêm) chiều dài 1.280m; đoạn 3 từ Km65+150-Km67+500 qua địa phận các huyện: Thanh Liêm, Bình Lục chiều dài 2.350m. Theo thiết kế, đường gom xây dựng vị trí vai đường cách mép ray ngoài cùng tối thiểu 10,6 m và hệ thống thông tin đường sắt được di chuyển vào phạm vi hành lang ATGT đường sắt. Đối với các đoạn đi qua khu đông dân như đoạn từ Km65+662- Km67+500 tại thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) chiều dài 1,8km được xây dựng tường rào phòng hộ cách mép ray ngoài cùng tối thiểu 8,6m, hệ thống thoát nước dọc giữa đường sắt và đường gom đi chìm, nằm sát phía trong hàng rào phòng hộ. Hệ thống thông tin đường sắt được di chuyển vào phạm vi hành lang ATGT đường sắt. Riêng các đoạn vuốt nối với đường gom hiện hữu và cục bộ một số vị trí khó khăn về giải phóng mặt bằng với chiều dài 412 m sẽ xây dựng tường rào phòng hộ cách mép ngoài ray đường sắt từ 3 – 5,6 m. Hệ thống thoát nước dọc giữa đường sắt và đường gom nằm sát phía ngoài hàng rào phòng hộ. Với hệ thống thông tin đường sắt được di chuyển về bên phải đường gom, chân cột cách mép đường gom từ 0,65 – 1,25 m.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Theo kế hoạch dự án này sẽ được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm nay để bố trí vốn kịp thời phục vụ thi công trong giai đoạn từ năm 2024 – 2025. Việc xây dựng dự án đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh hoàn thành được kết nối vào các đoạn đường gom hiện trạng và đường ngang theo quy hoạch trên địa bàn. Từ đó, xóa bỏ hơn 120 lối đi tự mở qua đường sắt góp phần bảo đảm ATGT đường sắt, giảm thiểu TNGT đường sắt nói riêng và TNGT nói chung. Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án kết hợp với các biện pháp kiên quyết xử lý vi phạm, rào chắn đường ngang tự phát sẽ thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Hà Nam xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt.