Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo nội dung '3 trụ cột'

Ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, thực hiện Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch, văn bản tổ chức triển khai…

Ban hành 61 văn bản để tổ chức triển khai, thực hiện

TP Hà Nội tập trung chủ yếu việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND TP, đảm bảo văn bản được ban hành cùng thời điểm Luật có hiệu lực thi hành. Tính đến nay, UBND TP đã ban hành 61 văn bản để tổ chức triển khai, thực hiện Luật Thủ đô trên địa bàn (28 Quyết định, 14 Kế hoạch, 17 Công văn, 1 Tờ trình, 1 Thông báo).

Hằng năm, UBND TP Hà Nội ban hành các Kế hoạch tổ chức việc đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô, trong đó tập trung nội dung tác động của cơ chế chính sách trong thực tiễn. Phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm, 5 năm thi hành Luật Thủ đô; tổ chức Đoàn công tác liên ngành thực hiện việc khảo sát về tình hình thi hành Luật Thủ đô theo lĩnh vực và địa bàn; tổ chức các hội nghị, hội thảo góp ý về những nội dung theo yêu cầu báo cáo. Tổng hợp báo cáo phục vụ các đoàn Giám sát của Quốc hội, HĐND TP về tình hình thi hành Luật.

Hà Nội đầu tư mạnh mẽ, phát triển các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, đường kết nối để tạo điều kiện phát triển kinh tế

Hà Nội đầu tư mạnh mẽ, phát triển các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, đường kết nối để tạo điều kiện phát triển kinh tế

UBND TP cũng đã ban hành Quyết định số 3317/QĐ-UBND ngày 29-5-2017 phê duyệt Đề án "Nghiên cứu, rà soát tổng thể, xác định những nội dung quy định trong Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Trung ương khi triển khai vào thực tiễn chưa phù hợp để đề nghị Trung ương sửa đổi bổ sung và tiếp tục đề xuất với Trung ương cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô".

Cùng với công tác tuyên truyền, trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội tích cực, chủ động, phối hợp với các Bộ ngành trong việc soạn thảo các văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành Luật để trình cấp có thẩm quyền ban hành bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm hiệu lực của Luật Thủ đô (ngày 1-7-2013).

Các văn bản đã được ban hành bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình soạn thảo; kịp thời được kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Cơ bản các văn bản thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội đã được ban hành kịp thời, đảm bảo đúng trình tự thủ tục, hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất về cơ chế chính sách xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thủ đô

Theo quy định của Luật Thủ đô và Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, có 22 nội dung được giao các cấp có thẩm quyền quy định chi tiết, trong đó 1 nội dung do Chính phủ quy định; 5 nội dung do Thủ tướng Chính phủ quy định, 1 nội dung do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, 13 nội dung giao HĐND TP và 3 nội dung giao UBND TP Hà Nội.

Đến nay, đã có 23 văn bản được các cơ quan ban hành để quy định chi tiết 18/22 nội dung; còn lại 4/22 nội dung đang tiếp tục được các cơ quan nghiên cứu, soạn thảo để trình cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó: 1 nội dung do Chính phủ quy định, 2 nội dung do Thủ tướng Chính phủ quy định và 01 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND TP Hà Nội.

Luật Thủ đô được ban hành với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn, tiêu biểu cho cả nước, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng. Luật Thủ đô đã quy định những chính sách mới có tính đặc thù, những tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của Thủ đô trong thời gian trước đây và hiện nay như: vấn đề quy hoạch, chỉnh trang đô thị, đô thị hóa, phát triển nhà ở, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước sức ép di dân cơ học tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông, quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường…

Qua 8 năm thi hành Luật, việc thực hiện các mục tiêu mà Luật Thủ đô hướng đến còn nhiều khó khăn, thách thức. Các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô chưa phát huy được hiệu quả, tác động khá khiêm tốn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhiều vấn đề phát triển của Thủ đô còn chưa thực sự được giải quyết bằng quy định của Luật Thủ đô. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết, nhằm tạo thể chế chất lượng cao để phát huy đúng mức tiềm năng, vị thế, vai trò của Thủ đô đang được đặt ra một cách cấp bách.

Từ kết quả thi hành Luật Thủ đô, những khó khăn, vướng mắc của TP, TP Hà Nội đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thủ đô năm 2012 theo Báo cáo đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.

Qua việc rà soát các quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô, UBND TP đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản của HĐND, UBND TP Hà Nội để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, tiếp tục triển khai Luật Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, gồm 13 Nghị quyết của HĐND TP, 2 Quyết định của UBND TP.

Trong quá trình tổ chức thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết, có những quy định của pháp luật chuyên ngành có sự mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của Luật Thủ đô.

Liên quan góp ý vào Dự thảo báo cáo Tổng kết thi hành Luật Thủ đô, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã yêu cầu các đơn vị, căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu mới, sẽ đánh giá rộng ra từ nhu cầu thực tiễn của TP, làm rõ yêu cầu đặc biệt của yếu tố Thủ đô trong việc xây dựng Luật Thủ đô.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn yêu cầu, cần nhấn mạnh bổ sung đánh giá theo 3 trụ cột để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đó là: Thứ nhất, xây dựng chính quyền đô thị, Hà Nội phải có chính quyền đô thị theo đúng nghĩa, phải tập trung đẩy mạnh để Hà Nội có thể tự chủ về bộ máy cán bộ. Thứ 2, ngân sách, tài chính đặc thù cho Hà Nội để tạo sự công bằng trong sử dụng nguồn lực tài nguyên chung của Nhà nước và quản lý điều hành bằng thuế, phí. Thứ 3, quản lý dân cư, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao trách nhiệm của người dân, song song với phát triển kinh tế đô thị.

Về định hướng tổng kết, Phó Chủ tịch đề nghị bám sát Đề cương để tổng kết, đánh giá, đồng thời, mở rộng theo thực tế để có những kiến nghị, đề xuất sát thực tế.

TP Hà Nội đề nghị Trung ương xem xét chỉ đạo việc rà soát, tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật nói chung, Luật Thủ đô nói riêng đối với 57 văn bản.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xay-dung-luat-thu-do-sua-doi-theo-noi-dung-3-tru-cot-256772.html