Xây dựng sở hữu trí tuệ để phát triển bền vững

Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) của tỉnh trong những năm gần đây có bước phát triển đáng kể. Việc đăng ký bảo hộ SHTT được các tổ chức, cá nhân quan tâm nhiều hơn. Trong sản xuất, việc đăng ký nhãn hiệu mang lại giá trị lớn của sản phẩm trên thị trường để khẳng định xuất xứ, chất lượng sản phẩm và tránh giả mạo là những điều mà người sản xuất cũng như người tiêu dùng hiện nay quan tâm.

 Cà phê Khe Sanh canh tác sạch đã được xây dựng thương hiệu sản phẩm - Ảnh: T.H

Cà phê Khe Sanh canh tác sạch đã được xây dựng thương hiệu sản phẩm - Ảnh: T.H

5 năm qua, số lượt cá nhân, đơn vị trên địa bàn tiến hành các thủ tục đăng ký SHTT cho sản phẩm tăng dần. Đến năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận số đơn tăng 73,8% và số văn bằng cấp tăng 33,4% so với năm 2015. Trong đó, nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), nhãn hiệu tập thể (NHTT), chỉ dẫn địa lý gắn với các đặc sản được quan tâm nhiều và có những định hướng lâu dài về việc bảo hộ, quản lý và phát triển các tài sản SHTT này.

Có được sự thay đổi về nhận thức này trong cộng đồng một mặt nhờ sự quan tâm chỉ đạo, ban hành các chính sách, cơ chế quản lý của tỉnh như: Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2025; Chỉ thị số 07/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Mặt khác, công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về SHTT được chú trọng. Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các lớp tập huấn về hướng dẫn việc đăng ký bảo hộ sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương. Nhờ đó, đã nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp về các kiến thức và các quy định của pháp luật về SHTT, về vai trò của SHTT trong hoạt động quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.

Thời gian qua, Sở KH&CN đã thực hiện hỗ trợ nhiều doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống. Đến nay, tỉnh có 1 chỉ dẫn địa lý (hạt tiêu Quảng Trị), sản phẩm chè vằng Quảng Trị và cà phê vùng Hướng Hóa đang tiến hành xác lập quyền chỉ dẫn địa lý; 5 NHCN (nước mắm Mỹ Thủy, nước mắm Cửa Việt, nước mắm Cồn Cỏ, rau an toàn Đông Hà, gạo sạch Triệu Phong); 33 NHTT được cấp văn bằng bảo hộ. 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã có 119 văn bằng bảo hộ được cấp, 2 kiểu dáng công nghiệp được sử dụng khai thác.

Từ việc phát triển nhãn hiệu khẳng định chất lượng của các sản phẩm, qua đó nâng cao uy tín của các thương hiệu hàng hóa của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng các tiến bộ KHCN và tổ chức sản xuất hiệu quả hơn. Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN Thái Thị Nga cho biết: “Đơn vị đã chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển SHTT trên địa bàn tỉnh. Tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân kinh doanh tạo dựng và bước đầu khai thác các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình”.

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong hoạt động SHTT song hiện nay, công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ gặp phải những khó khăn, thách thức như: Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong khi năng lực của các doanh nghiệp địa phương còn nhiều hạn chế để đáp ứng; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; tình hình COVID -19 diễn biến phức tạp, các sản phẩm nông sản, hải sản đã xây dựng nhãn hiệu vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình xúc tiến thương mại; nông sản, hải sản tươi là các sản phẩm khó bảo quản, vận chuyển, trong khi các nhà máy chế biến về nông sản, hải sản của tỉnh chưa có đủ quy mô… Trước những khó khăn đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng, đầu tư chiều sâu để đáp ứng các yêu cầu về quản lý và phát triển nhãn hiệu.

Để thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, đưa SHTT thực sự trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, xác lập quyền SHTT cho đến các nhiệm vụ bảo vệ quyền SHTT, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa SHTT; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ toàn quốc, thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động SHTT đạt hiệu quả cao hơn. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐN của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2025; rà soát, xây dựng cơ chế tài chính, chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của địa phương trong giai đoạn tới; tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng, quản lý và phát triển các NHCN, NHTT, chỉ dẫn địa lý sử dụng yếu tố địa danh cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ các địa phương đăng ký xác lập quyền ra nước ngoài đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu để phục vụ cho việc xuất khẩu các hàng hóa chủ lực, chú trọng hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với một số sản phẩm chủ lực, đặc thù riêng của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh nhằm bảo vệ danh tiếng và thương hiệu các nhãn hiệu mang yếu tố địa danh đã được bảo hộ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các địa phương, hiệp hội trong hỗ trợ và triển khai hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT. Hỗ trợ các sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030, đăng ký và xác lập quyền SHTT theo quy định.

Việc xây dựng SHTT cho các sản phẩm địa phương đã đưa lại nhiều hiệu quả quan trọng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tăng danh tiếng của sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, góp phần thực hiện sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh một cách bền vững, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158373&title=xay-dung-so-huu-tri-tue-de-phat-trien-ben-vung