Xem những viên 'gạch mặt trăng' mà Trung Quốc sẽ sử dụng để xây căn cứ ngoài không gian
Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-19, đưa phi hành đoàn ba người lên trạm vũ trụ Thiên Cung để tiến hành hàng chục thí nghiệm khoa học, bao gồm nghiên cứu xây dựng môi trường sống cho con người ngoài vũ trụ trong tương lai.
Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), tàu vũ trụ Thần Châu-19 cùng phi hành đoàn ba người đã cất cánh trên tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc lúc 4 giờ 27 phút sáng 30/10 (giờ Bắc Kinh).
"Trong chuyến bay Thần Châu-19... 86 thí nghiệm sẽ được tiến hành trong các lĩnh vực khoa học sự sống vũ trụ, vật lý vi trọng lực, vật liệu, y học, công nghệ mới", Lin Xiqiang, phó giám đốc CMSA cho biết trong một cuộc họp báo hôm 29/10.
Một trong những thí nghiệm sẽ tiến hành phơi những viên gạch làm từ đất mô phỏng Mặt trăng trong điều kiện ngoài không gian. Nếu thành công, những viên gạch này có thể là vật liệu chính được sử dụng để xây trạm nghiên cứu cố định trên Mặt trăng mà Trung Quốc hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2035, vì về mặt lý thuyết, cách này thuận tiện hơn so với việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ Trái đất.
Video giới thiệu về viên gạch mặt trăng của Trung Quốc (nguồn: CCTV)
Những viên gạch này sẽ được gửi tới phi hành đoàn Thần Châu-19 bằng chuyến bay chở hàng không người lái riêng biệt vào tháng tới.
Theo ông Lin Xiqiang, ngoài việc tiến hành các thí nghiệm khoa học, phi hành đoàn sẽ thực hiện các chuyến đi bộ ngoài không gian, lắp đặt các thiết bị bảo vệ chống lại các mảnh vỡ không gian và thiết lập các thiết bị và tải trọng bên ngoài.
Nữ chuyên gia về công nghệ tên lửa hạt nhân Vương Hạo Trạch, 34 tuổi, đã cùng hai đồng nghiệp nam tham gia chuyến bay trên tàu vũ trụ. Nền tảng nghiên cứu của Vương được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng thực hiện 86 thí nghiệm của phi hành đoàn trên quỹ đạo.
Vương sẽ chủ yếu giám sát các thí nghiệm không gian, quản lý hàng hóa và hoạt động của trạm vũ trụ. Cùng đi với Vương là Tống Linh Đông, cũng 34 tuổi và đang thực hiện chuyến bay vũ trụ đầu tiên sau sự nghiệp phi công không quân, và chỉ huy sứ mệnh Thái Húc Triết, một phi hành gia kỳ cựu trước đây đã bay trong sứ mệnh Thần Châu-14 vào năm 2022.
Các chuyến bay có người lái của Thần Châu là hoạt động thường xuyên trong chương trình không gian của Trung Quốc trong 20 năm qua và ngày càng tăng về tần suất trong những năm gần đây khi Trung Quốc xây dựng và bắt đầu vận hành trạm vũ trụ Thiên Cung, chính thức hoàn thành vào tháng 11/2022.