Xứ cồn mùa nước nổi

Mỗi năm, cứ vào độ tháng 5, tháng 6 (âm lịch) là người dân quê tôi lại tất bật lo gia cố lại bờ đê, chuẩn bị đối phó với mùa nước nổi đang cận kề, đe dọa đến đời sống con người và cây trái xứ cồn.

Quê tôi (cồn Phong Nẫm thuộc xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) nằm hiền hòa giữa bốn bề sông nước, như một chiếc phao xanh thẳm thả trôi giữa dòng sông Hậu. Chiếc phao ấy từ bao đời nay đã được dòng sông mẹ bồi đắp phù sa để tạo nên những vườn trái cây trĩu quả, quanh năm thơm mát.

Đời sống của người dân xứ cồn ngày trước khó khăn lắm, chẳng có đường sá, trường học, trạm y tế, điện chiếu sáng. Trẻ em đến tuổi đi học thì được cha mẹ gửi cho ở nhờ nhà bà con bên đất liền hoặc ở trọ để đi học. Nhà nào có điều kiện thì sắm vỏ tàu, mỗi ngày đưa đón con cháu đi học. Khoảng cách từ cồn đến đất liền chỉ hơn 1 cây số nhưng trông xa vời vợi.

Xứ cồn vào mùa nước nổi. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Ở cồn thì phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng, ghe, vỏ tàu, vỏ lãi. Tuy nhiên, những phương tiện này lại phụ thuộc nhiều vào con nước. Khi nước ròng, từ bờ đê ra đến mé nước phải lội bùn cả trăm mét, gặp lúc đám tiệc hay bệnh hoạn là vô cùng vất vả. Chính vì vậy mà bà con quê tôi nghĩ ra cách góp công, góp sức bắc một chiếc cầu cây thật dài ra tới mé nước. Rồi lại hùn nhau mua một chiếc vỏ tàu đậu sẵn, phòng khi nào có chuyện gấp là lập tức khởi hành, đỡ mất thời gian.

Nhà cửa ở xứ cồn cũng có nhiều điểm khác biệt so với đất liền, chiều cao và sự chắc chắn của căn nhà là được ưu tiên nhất. Ấy vậy mà nóc nhà cũng chỉ cao hơn mặt đê một chút. Nghe ông tôi kể lại thì ngày xưa ở cồn thường xuyên vỡ đê, lúc đó nước ngập tới nóc nhà. Gia đình nào có ghe, xuồng thì chạy qua đất liền lánh nước, chờ nước rút thì về, còn nhà nào không có thì phải trèo lên nóc nhà tránh nước. Mỗi lần vỡ đê là tài sản xem như mất trắng.

Nhắc đến xứ cồn, du khách gần xa đều cảm thấy lưu luyến, nhớ thương dù chỉ mới một lần đặt chân đến thăm. Bởi cảnh vật nơi đây rất hữu tình, con người hiền hòa, hiếu khách, cây trái lại ngọt lành. Dù vậy, ít ai biết rằng để có được thành quả như hôm nay, biết bao thế hệ ông cha chúng tôi đã phải đổ bao mồ hôi, kể cả xương máu để gìn giữ từng mét bờ đê, ngăn dòng nước dữ.

Đắp đê là cách tốt nhất để giữ cồn. Vì vậy mà người dân xứ cồn không ai là không biết đắp đê. Ngay từ bé, những đứa trẻ đã được dạy cho cách đắp đê ngăn nước, xảm mội phá bờ. Con đê chính là sợi dây vô hình kết nối tình đoàn kết xóm làng, nó là tài sản chung của người dân xứ cồn. Vì vậy mà mỗi năm, cứ vào độ tháng 5, tháng 6 (âm lịch), khi mà con nước vừa lé đé bờ thì không ai bảo ai, từ đầu cồn đến đuôi cồn, mọi người đều chung tay, góp sức hộ đê, xảm mội để đối phó với con nước tháng 7 sắp nhảy khỏi bờ. Công việc tuy vất vả nhưng lúc nào tiếng cười nói cũng râm ran.

Mùa nước lên cao bắt đầu từ tháng 7 đến sau rằm tháng 10 (âm lịch). Đó được xem là khoảng thời gian thử thách sức chịu đựng của người dân xứ cồn. Vào con nước rong rằm, ba mươi hằng tháng, nhà nào cũng cử người thức trắng đêm để canh đê. Ngoài ra, ở cồn còn có hẳn một đội hộ đê cơ động, luôn túc trực sẵn sàng cứu đê trong mọi tình huống. Chẳng ai tính toán gì, có gì đãi nấy. Nhà nào có gà làm gà, có vịt làm vịt đem nấu nồi cháo đãi anh em hộ đê vào đêm khuya để có cái lót dạ, đủ sức chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt mùa mưa bão.

Cứ sau mỗi mùa nước nổi thì hình dáng của xứ cồn quê tôi ít nhiều thay đổi. Quá trình biến đổi khí hậu đã làm cho dòng nước ngày càng nghèo phù sa, phía đầu cồn cũng vì vậy mà ngày càng mất dần để nhường những hạt phù sa khô khan, hiếm hoi bồi lắng cho phần đuôi cồn tiến dài ra biển. Dù con người có cố gắng đến mấy cũng không thể nào ngăn được sức mạnh của thiên nhiên.

Bây giờ thì xứ cồn quê tôi đã thay da đổi thịt, điện đã vượt sông thắp sáng khắp làng quê, trường học, trạm xá cũng được xây cất khang trang, trẻ em đã không còn phải vất vả vượt sông qua đất liền ăn học. Cây cầu tàu đơn sơ thuở nào đã được thay bằng chiếc cầu bêtông kiên cố, những chiếc phà hiện đại cũng ngày đêm cần mẫn nối kết đôi bờ. Việc đắp đê giờ đã có máy móc hiện đại túc trực vào mỗi mùa nước nổi.

Tất cả mọi thứ đều thay đổi, chỉ có tình cảm của người dân xứ cồn là vẫn vẹn nguyên. Bởi thứ tình cảm cao quý ấy đã được kết tinh từ những tháng ngày gian khó. Mùa nước nổi giờ đã không còn hung dữ như trước nhưng mảnh đất cồn thân yêu thì vẫn như người mẹ hiền lành, dang rộng vòng tay yêu thương chở che cho đàn con thơ dại trước phong ba bão táp.

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/xu-con-mua-nuoc-noi-68033.html