Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm trong quản lý thị trường bất động sản

Liên quan đến phát triển thị trường bất động sản, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn An (Thái Bình) đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc đánh thuế người sở hữu bất động sản thứ 2 trở lên, nhằm điều tiết thị trường và tránh tình trạng đầu cơ.

Sáng 28-10, Quốc hội nghe báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; thảo luận tại hội trường về báo cáo này.

Thổi giá, lướt sóng bất động sản

Đề cập đến giá BĐS tăng cao tại một số thành phố lớn, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng trong thời gian vừa qua, giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, nhất là TP Hà Nội và TPHCM.

 ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: QUANG PHÚC

Thực tế cho thấy, giá nhà đất tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, đã tăng rất cao, gây ra những dấu hiệu bất ổn cho thị trường. Cử tri lo lắng trước hiện tượng "thổi giá", "lướt sóng", tạo nhiễu loạn thông tin thị trường.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, giá nhà đất tại nhiều khu vực đã tăng một cách vô lý và bất thường. Từ đầu năm đến nay, giá đất và nhà ở tại các khu vực từ chung cư, nhà liền kề đến biệt thự đều tăng mạnh, không chỉ tại trung tâm mà còn lan rộng ra các quận, huyện vùng ven ở các thành phố lớn.

Nhiều chung cư đã được đưa vào sử dụng từ lâu nhưng giá trị giao dịch hiện tại đã tăng gấp đôi so với thời điểm bàn giao. Nhu cầu nhà ở cao đã dẫn đến tình trạng thị trường trở nên thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.

 Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Thủy thẳng thắn chỉ rõ, tình trạng đầu cơ, thổi giá và đẩy giá đang diễn ra phổ biến. Một số nhóm đầu cơ đã thao túng thị trường, gây nhiễu loạn thông tin và đẩy giá đất lên cao với mục đích thu lợi nhuận khổng lồ.

Bên cạnh đó, tồn tại tình trạng người dân mua nhà đất với hy vọng "lướt sóng" sinh lời. Thực tiễn cho thấy, tâm lý này ngày càng phổ biến, khiến giá BĐS vốn đã cao lại càng tăng thêm.

 ĐB Nguyễn Văn An (Thái Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Văn An (Thái Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Nhiều người không đủ khả năng tài chính vẫn cố gắng vay mượn để đầu tư vào đất, kỳ vọng giá sẽ tăng thêm trong tương lai. Tâm lý này đã gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, đặc biệt là làm tăng nguy cơ bong bóng BĐS.

Thị trường hiện nay đang mất cân đối về phân khúc nhà ở. Nguồn cung nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình đang thiếu trầm trọng, trong khi lại dư thừa căn hộ cao cấp. Sự mất cân đối này không chỉ làm cho người lao động khó tiếp cận được nhà ở, mà còn tạo ra nguy cơ "bong bóng" BĐS.

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn An (Thái Bình) cho rằng, hiện nay, giá nhà ở tại các thành phố như TP Hà Nội, TPHCM đang tăng cao vượt xa tầm với của nhiều người dân. Tình trạng này một phần do các chủ đầu tư sử dụng các chiêu trò.

Mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng

Thảo luận về phát triển nhà ở xã hội, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, vẫn tồn tại tình trạng người được hưởng quyền lợi từ nhà ở xã hội không thuộc diện chính sách, hoặc không phải là đối tượng thu nhập thấp.

 ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Tình trạng này không chỉ làm giảm tính công bằng trong chính sách mà còn khiến những người thực sự cần nhà ở xã hội gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận. Thậm chí, có hiện tượng mua bán nhà ở xã hội qua trung gian với giá cao hơn gấp đôi so với giá ban đầu.

Theo ĐB, nguyên nhân của tình trạng này có thể do sai sót trong quá trình xét duyệt hồ sơ, hoặc việc buông lỏng quản lý, cho phép người mua bán sang tay nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến hệ quả là đối tượng thu nhập thấp không tiếp cận được với nhà ở, trong khi các đối tượng khác lại lợi dụng để trục lợi.

Do đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, Quốc hội cần bổ sung vào nghị quyết những giải pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ việc xét duyệt và quản lý đối tượng sở hữu nhà ở xã hội.

 ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội. Việc kiểm tra, thanh tra và kiểm toán về chất lượng nhà ở xã hội cũng cần được tăng cường để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai hiệu quả các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đặc biệt tại các khu công nghiệp, nơi có nhu cầu cấp bách về nhà ở cho người lao động. Do giá nhà ở xã hội vẫn còn cao so với thu nhập của người dân thuộc diện thụ hưởng, ĐB kiến nghị các địa phương cần tập trung phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn.

 Phó Thủ tướng Phạm Hồng Hà (bên phải) dự phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thủ tướng Phạm Hồng Hà (bên phải) dự phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Về giải pháp hạn chế đầu tư giá, ĐB Nguyễn Văn An (Thái Bình) đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc đánh thuế người sở hữu BĐS thứ 2 trở lên, nhằm điều tiết thị trường và tránh tình trạng đầu cơ.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi, hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của người lao động; quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở. Nếu cần thiết, cần báo cáo lên cấp có thẩm quyền cao hơn để có giải pháp kịp thời.

Chính phủ cần nghiên cứu và triển khai các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất, nhằm ổn định thị trường và đảm bảo quyền lợi của người dân có nhu cầu nhà ở thực sự.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-tieu-cuc-loi-ich-nhom-trong-quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-post765656.html