Xuất khẩu hàng hóa thêm bất lợi
Mặc dù thương mại hàng hóa đang chứng kiến sự khởi sắc, song theo các chuyên gia cũng không thể chủ quan...
Nhập siêu từ Trung Quốc chưa hạ nhiệt
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 6,6% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 5,5% của tháng 7 chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Glaxy Note 10 khiến nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng tới 37,8%. Nhờ đó chỉ tính riêng trong tháng 8, xuất siêu đã quay trở lại ở mức 1,7 tỷ USD, tương đương với giá trị xuất siêu của 7 tháng năm 2019. Tổng cục Thống kê nhận định, kết quả này là nhờ đóng góp của nhóm hàng điện thoại và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng lên tới 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Mặc dù thương mại hàng hóa đang chứng kiến sự khởi sắc, song theo các chuyên gia cũng không thể chủ quan. Bởi khi bóc tách các số liệu về tình hình xuất nhập khẩu, có thể thấy Việt Nam đang chịu khá nhiều tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Sau khi Mỹ áp thuế quan bổ sung 15% đối với 112 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 1/9 vừa qua, tác động bất lợi chắc chắn sẽ còn rõ nét hơn.
Tác động tiêu cực rõ nét nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính là tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc đã kéo dài suốt từ đầu năm tới nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính chung trong 8 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 2,5%; trong khi ở chiều ngược lại, đây vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tăng tới 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nhập siêu từ Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm đạt 25,4 tỷ USD, tăng tới 47,5% so với cùng kỳ năm trước.
Có 3 nguyên nhân lý giải cho sự tăng vọt này. Thứ nhất, đồng NDT mất giá mạnh khiến hàng hóa từ Trung Quốc rẻ đi tương đối trong quá trình giao thương với Việt Nam. NDT giảm giá đã gây sức ép lên hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi lại gia tăng sức cạnh tranh cho hàng Trung Quốc khi xuất sang Việt Nam. Sự chật vật của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Trung Quốc phần nào được thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong 8 tháng đã giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thủy sản giảm 2,6%; rau quả giảm 6%. Tình trạng này trái ngược hoàn toàn với các nhóm hàng công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng dương nhờ được đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Thứ hai, có một sự trùng hợp đáng chú ý là nhóm các hàng xuất khẩu chủ lực, đạt tốc độ tăng trưởng mạnh sang thị trường Mỹ như máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, sắt thép... lại chính là những mặt hàng gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bởi vậy, đây có thể là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến cán cân thương mại Việt- Trung có sự biến động theo hướng tăng nhập siêu từ Trung Quốc trong suốt thời gian qua dưới ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Thứ ba là làn sóng đầu tư từ Trung Quốc qua Việt Nam đã mang theo máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào, khiến tình trạng nhập siêu thêm trầm trọng.
Tăng cường khả năng chống chịu
Đặt trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới, có thể thấy mức tăng trưởng xuất khẩu 7,3% của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 không phải là kết quả tồi. Mặc dù tốc độ này đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, song cần lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia lớn đều suy giảm mạnh hơn so với dự báo. Vì vậy, kết quả này được đánh giá là rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, vấn đề rủi ro đang nằm ở mức tăng trưởng xuất khẩu tập trung quá lớn ở thị trường Mỹ. Tính chung trong 8 tháng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó các thị trường lớn khác như EU hay Trung Quốc đều giảm ở mức lần lượt là 0,5% và 2,5%. Một số thị trường khác có quy mô nhỏ hơn và tăng ở mức nhẹ như ASEAN tăng 3,6%; Nhật Bản tăng 9,9%; Hàn Quốc tăng 5,3%.
TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phân tích, nếu như kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh nhờ dịch chuyển đơn đặt hàng thì không sao, nhưng rõ ràng sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư chưa thể đáp ứng nhanh như vậy. Do đó, với động thái áp thuế quan bổ sung từ ngày 1/9 vừa qua, cần hết sức cẩn trọng để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, hạn chế gian lận thương mại.
Theo các chuyên gia về thương mại của phía Mỹ, lần đầu tiên cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ tác động trực tiếp làm tăng giá rất nhiều mặt hàng tiêu dùng của các gia đình như quần áo, giày dép, đồ chơi và đồ điện tử gia dụng. Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ cho biết trong đợt áp thuế ngày 1/9, có khoảng 52 tỷ USD hàng điện tử tiêu dùng gồm loa thông minh, tai nghe và tivi. Trong khi đó, Hiệp hội May mặc và da giày Mỹ ước tính đợt áp thuế này tác động tới khoảng 39 tỷ USD hàng hóa ngành này và tiếp tục tác động thêm với 12 tỷ USD hàng khác trong đợt áp thuế bổ sung tiếp theo vào ngày 15/12.
Trong 8 tháng vừa qua khi các nhóm hàng này của Trung Quốc chưa bị Mỹ áp thuế bổ sung, thì kim ngạch xuất khẩu từ phía Việt Nam đã tăng trưởng ở mức khá, như nhóm điện tử, máy tính và linh kiện tăng 14,3%; hàng dệt may tăng 9,8%; giày dép tăng 13,1%... Do đó, TS. Võ Trí Thành khuyến cáo phải tăng cường công tác hạn chế gian lận thương mại, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không để phía Mỹ lấy cớ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Mặt khác, câu chuyện gian lận thương mại không chỉ từ phía Trung Quốc xuất sang Việt Nam để chuyển sang Mỹ mà có thể ngược lại, ví dụ với mặt hàng đậu tương. Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang dẫn tới 2 quốc gia này sẽ tăng xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Vì vậy các cơ quan quản lý đang khẩn trương thực hiện các giải pháp ngăn chặn hiện tượng hàng hóa nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam rồi tái xuất để né thuế.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-hang-hoa-them-bat-loi-91843.html