Xuất khẩu thủy sản sang Nhật: Tận dụng độ mở trong CPTPP
So với các FTA khác, các cam kết của Nhật Bản với thủy sản Việt Nam trong Hiệp định CPTPP có độ mở lớn hơn, là điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam khai thác.
So với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, các cam kết của Nhật Bản với thủy sản Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có độ mở lớn hơn hẳn, là điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam khai thác.
Tận dụng các ưu đãi
Ông Nguyễn Mạnh Đồng - Bí thư thứ 3, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết: Ngoài Hiệp định Đối tác kinh tế song phương Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), hai nước còn là thành viên của nhiều FTA khác như CPTPP, RCEP. Điều này giúp hàng hóa Việt Nam, trong đó có thủy sản có thêm cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Trong số các FTA đang thực thi, cam kết của Nhật Bản trong CPTPP lĩnh vực thủy sản có độ mở khá lớn. Cụ thể, các cam kết chia làm 2 nhóm: Một là, xóa bỏ thuế quan ngay sau khi hiệp định có hiệu lực với 65% dòng thuế; Hai là, cắt giảm theo lộ trình từ 6-16 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với các dòng thuế còn lại. “CPTPP có độ mở cửa mạnh hơn so với VJEPA, bởi Nhật Bản cam kết xóa bỏ cả những dòng thuế họ không cam kết trong VJEPA” - ông Nguyễn Mạnh Đồng nói.
Một điểm thuận lợi nữa, CPTPP chấp nhận nguyên tắc xuất xứ cộng gộp, có nghĩa, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu từ 11 nước thành viên xuất khẩu sang Nhật Bản mà vẫn được hưởng ưu đãi về thuế. Với những đặc điểm trên, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, CPTPP mang lại cho DN thủy sản Việt Nam nhiều lựa chọn để được hưởng ưu đãi về xuất xứ, cắt giảm thuế khi xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện, Nhật Bản là thị trường lớn thứ 3 của ngành thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 638,91 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ và chiếm 13,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Tuân thủ các quy định
Dù CPTPP đã mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản. Tuy nhiên, đây có thể coi là thị trường “khó tính” nhất thế giới nên việc tuân thủ các quy định của nước sở tại là bắt buộc để thủy sản Việt Nam chắc chân tại thị trường này.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng lưu ý: Sản phẩm thủy sản tươi sống và chế biến xuất khẩu cần phù hợp các tiêu chuẩn quy định trong Luật an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản. Với thủy sản nuôi trồng, cần đảm bảo trong quá trình nuôi trồng không sử dụng chất kháng sinh tổng hợp bị cấm, đáp ứng dư lượng thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, hải quan Nhật Bản có quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, lô hàng của 1 DN bị phát hiện vi phạm, lô hàng đó sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại nhà cung ứng. Nghiêm trọng hơn, từ đó về sau mức độ kiểm dịch được tăng cường rất chặt với hàng thủy sản cùng loại và không phải chỉ với công ty vi phạm mà với tất cả các DN xuất khẩu sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Điều này làm tăng thời gian thông quan, chi phí và khó khăn cho DN. “Do vậy, DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nên chú ý, trước hết đảm bảo lợi ích của DN, sau đó bảo vệ hình ảnh chung ngành thủy sản Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Đồng chia sẻ.
Một vấn đề cần lưu ý nữa là, người tiêu dùng Nhật Bản nhạy cảm với thay đổi giá cả hàng hóa. Do vậy, ổn định chất lượng, số lượng nguồn cung và giá cả cũng là yếu tố ghi điểm với đối tác Nhật Bản.
CPTPP với độ mở cửa lớn về thuế, nguyên tắc xuất xứ giúp DN thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong gia tăng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Việt Nga