Yên Châu khắc ghi lời Bác dạy
Cứ mỗi dịp tháng 5 về, Khu di tích Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu lại trở thành điểm đến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện để tưởng nhớ đến vị cha già kính yêu của dân tộc. Từng đóa hoa tươi, từng nén nhang thơm dâng Bác là tấm lòng của mỗi người con Yên Châu tỏ lòng thành kính tri ân công đức, cũng là dịp báo công dâng Bác những thành quả đã đạt được.
Tại sân bản Khoóng, xã Chiềng An (cũ), nay là tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu, cách đây 65 năm, nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La, ngày 8/5/1959, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu đã vinh dự được đón Bác về thăm. Tại đây, Bác dành tình cảm đặc biệt, những lời động viên, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong huyện.
Bác khen: “Đảng, Chính phủ và Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào châu nhà trong kháng chiến đã tổ chức du kích đánh tây rất tốt, đã giúp đỡ bộ đội, cán bộ đánh tây. Đặc biệt, đồng bào vùng cao sinh hoạt gian khổ, trong kháng chiến rất anh dũng. Từ ngày hòa bình lập lại, đồng bào, cán bộ, bộ đội đoàn kết, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất, học bình dân. Như thế là tốt...”. Bác cũng dặn dò: “... Phải sản xuất, cải tiến kỹ thuật, giữ rừng cho tốt. Bây giờ hòa bình rồi, cũng phải anh dũng sản xuất, xóa nạn mù chữ; đã tăng gia sản xuất phải thực hành tiết kiệm... Tất cả các dân tộc đều là anh em ruột thịt một nhà. Cán bộ, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay...”.
65 năm qua, những lời dặn dò và chỉ bảo ân cần của Người là nguồn cổ vũ lớn lao, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa huyện vững bước đi lên.
Đồng chí Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, chia sẻ: Nhớ lời Bác dạy, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường xây dựng cuộc sống mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, Yên Châu đã khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển, vươn lên thành một trong những huyện khá của tỉnh.
Hiện nay, nhân dân trong huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế đầu tư phát triển, hình thành vùng trồng cây ăn quả công nghệ cao tập trung gắn với xây dựng vùng trồng an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mã số vùng với các mô hình sản xuất hiệu quả, như: xoài ghép, chuối cấy mô ở các xã dọc quốc lộ 6; nhãn, mận hậu tại xã Lóng Phiêng, Phiêng Khoài, Tú Nang; chè, mía ở Yên Sơn, Chiềng Sàng... với tổng diện tích trên 11.500 ha, nâng giá trị thu nhập lên hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Các sản phẩm nông sản đảm bảo các điều kiện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2023, tổng giá trị sản phẩm quả các loại đã tiêu thụ trên 832 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gần 133 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn với quy mô gia trại, trang trại.
Tự hào là nơi có Khu di tích Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện, cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn Yên Châu đã chung sức giữ gìn di tích, ra sức thi đua thực hiện lời Bác dạy. Ông Phạm Đức Sinh, Chủ tịch UBND thị trấn, phấn khởi nói: Thực hiện lời căn dặn của Bác, những năm qua, thị trấn nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Đến nay, thị trấn có gần 500 hộ kinh doanh; 8 doanh nghiệp, HTX và gần 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thị trấn có 4/4 trường học đạt chuẩn quốc gia; trên 95% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; 6/6 tiểu khu có nhà văn hóa... là những điều kiện thuận lợi để thị trấn Yên Châu tiến tới xây dựng đô thị loại IV.
Cùng với đó, huyện Yên Châu tích cực khuyến khích nhân dân liên kết tham gia thành lập hợp tác xã, phát huy vai trò trong tập hợp nông dân, phát triển sản xuất. Đến nay, toàn huyện có trên 60 HTX hoạt động hiệu quả; 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện vừa hoàn thành việc xóa nhà tạm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4%/năm. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo; quan hệ hợp tác với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) được tăng cường.
Lời Bác năm xưa: “... Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay này” đã lan tỏa trong các phong trào thi đua, nhất là xây dựng nông thôn mới. Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Lóng Phiêng đoàn kết, đồng lòng đi đầu trong xây dựng kinh tế, hạ tầng nông thôn. Ông Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Xã lựa chọn xây dựng nông thôn mới là nội dung đột phá trong học và làm theo Bác. Đến nay, xã xây dựng gần 17 km đường giao thông và 52,5 km đường trục chính nội đồng, với tổng kinh phí trên 67 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp gần 15 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 85 triệu đồng/ha; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,5%; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,8%. Lóng Phiêng xứng đáng là xã biên giới đầu tiên của huyện Yên Châu đạt chuẩn nông thôn mới.
Tự hào được đón Bác về thăm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Châu mãi khắc ghi những tình cảm và lời dạy của Người; đó là những động lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/yen-chau-khac-ghi-loi-bac-day-0tfjmKYSR.html