Yên Lập phát triển kinh tế tập thể

PTĐT - Xác định kinh tế tập thể (KTTT) có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Thông qua các mô hình KTTT  hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp...

Cán bộ HTX sử dụng máy đóng gói sản phẩm đặc sản gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung.

Cán bộ HTX sử dụng máy đóng gói sản phẩm đặc sản gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung.

PTĐT - Xác định kinh tế tập thể (KTTT) có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Thông qua các mô hình KTTT hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp, thị trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, những năm qua, huyện Yên Lập đã chú trọng thực hiện các giải pháp phát triển KTTT trên địa bàn.
Để tạo điều kiện cho KTTT, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) phát triển, huyện Yên Lập đẩy nhanh công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất nhằm phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về KTTT, HTX, Luật HTX năm 2012, huyện tập trung đẩy mạnh đào tạo và dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT. Đối với đội ngũ quản lý, tập trung nâng cao kiến thức về kinh tế hội nhập, trình độ quản lý kinh tế, điều hành sản xuất kinh doanh (SXKD) theo mô hình HTX kiểu mới. Đồng thời, tăng cường phối hợp hỗ trợ xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hoạt động thương mại gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tích cực xây dựng và quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của địa phương, nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến, SXKD có hiệu quả để tổ chức học tập, áp dụng, nhân rộng trên địa bàn…Thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2009, từ những ngày đầu khó khăn, thiếu thốn đến nay, HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung đã thu hút nhiều xã viên tham gia, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Khúc Ngọc Tung - Giám đốc HTX cho biết: “Hiện nay, HTX tập trung vào các hoạt động chính như cung cấp giống, phân bón và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân địa phương... Toàn xã có hơn 1.200 hộ làm nông nghiệp, trong đó hơn 70% số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà Gáy với diện tích trên 70ha. Địa phương và HTX thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm mua, không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường… Là đầu mối cung cấp giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm cho bà con, HTX đã đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết, mua máy móc nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch, từ đó tăng thu nhập cho các thành viên và người dân địa phương”. Đến nay, trên địa bàn huyện có 43 HTX, QTD, gồm 34 HTX dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp, 1 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX thương mại, 2 HTX vệ sinh môi trường, 3 QTD… Hầu hết các HTX được thành lập mới từ năm 2009 do nguồn kinh phí cấp bù do miễn thủy lợi phí, chỉ có 2 HTX Tân Phú và Tân Hưng đang hoạt động từ trước. Tổng vốn hoạt động của các HTX đạt trên 290 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2015; tổng doanh thu bình quân đạt trên 2 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân 103,8 triệu đồng/HTX, tăng 68,3 triệu đồng; thu nhập bình quân của cán bộ làm việc thường xuyên trong HTX đạt 4,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,3 triệu đồng… Tuy nhiên, đa phần các HTX mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào của sản xuất; hoạt động SXKD, dịch vụ của các HTX vẫn mang tính ngắn hạn; số HTX tham gia thị trường, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên chiếm tỷ lệ thấp; công tác phối kết hợp giữa các tổ chức đoàn thể với HTX chưa được quan tâm đúng mức; phần lớn cán bộ HTX chưa được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn trước khi đảm nhận các vị trí quản lý, chưa có kiến thức chuyên môn về thị trường, kỹ thuật công nghệ…Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTTT nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể đối với sự phát triển của KTTT, HTX trên địa bàn. Tiến hành rà soát, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX, nhất là tập trung giải quyết tốt về hỗ trợ phát triển, đào tạo, dạy nghề, ưu đãi vốn vay… Phát huy tính tự chủ, năng động, tiếp tục đổi mới về quản lý, phân phối, đa dạng hóa ngành nghề, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX trong thời kỳ mới…

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202011/yen-lap-phat-trien-kinh-te-tap-the-174132