36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 15)
Trân trọng giới thiệu sách '36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.
KỲ 15
SỰ KIỆN 16: MẠC ĐĂNG DUNG CƯỚP NGÔI NHÀ LÊ (1527), CỤC DIỆN NAM-BẮC TRIỀU VÀ CỤC DIỆN VUA LÊ CHÚA TRỊNH (1592-1786).
Sau thời kỳ Lê Sơ, nhà Hậu Lê bước sang thời kỳ Lê Trung Hưng (1527-1789) đánh dấu thời kỳ suy tàn của chế độ phong kiến Việt Nam. Vai trò tiến bộ của giai cấp phong kiến Việt Nam chấm dứt. Tầng lớp quí tộc phong kiến ra sức bần cùng hóa giai cấp nông dân để ăn chơi tha hóa, chúng lao vào cuộc đấu tranh, tranh giành quyền lực vì như Ph. Ăngghen đã chỉ ra quyền lực bản thân nó không sản sinh ra kinh tế nhưng quyền lực có thể cướp đoạt được kinh tế và cướp đoạt được mọi thứ. Cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực làm nền thống nhất đất nước bị phá vỡ, đẩy nhân dân vào cuộc nội chiến “ nồi da nấu thịt” tương tàn, núi xương sông máu, chết chóc đói khổ.
Bước đầu tiên của cục diện này là cục diện Nam-Bắc triều. Năm 1527 Mạc Đăng Dung ( 1527-1529) quê Hải Dương cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc ở Thăng Long: Bắc triều. Năm 1533 Nguyễn Kim (Quê ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa), một đại thần của Nhà Hậu Lê lập ra Nhà Lê Trung Hưng: Nam triều mà vua đầu là Lê Trang Tông (1533-1548). Nội chiến giữa Nam-Bắc triều rất quyết liệt. Khi tiến quân ra Ninh Bình, Nguyễn Kim bị gián điệp nhà Mạc giết chết, hai con trai còn nhỏ nên quyền hành phò tá Nam triều lọt vào tay con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm (quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Trịnh Kiểm mất, con là Trịnh Tùng (1570-1623) lên thay. Năm 1592 Trịnh Tùng tiêu diệt nhà Mạc, kết thúc cục diện Nam-Bắc Triều. Nhà Mạc do Mạc Đăng Dung (1527-1529) cướp ngôi nhà Hậu Lê mà lập ra, trải qua 5 đời vua tồn tại 62 năm, trong đó có 4 đời vua sinh ra và trưởng thành ở kinh thành Thăng Long:
-Mạc Đăng Doanh (1530-1540), ở ngôi 10 năm.
-Mạc Phúc Hải (1541-1546)---------------5 măm.
-Mạc Phúc Nguyên (1546-1561----------15 năm.
-Mạc Mậu Hợp (1562-1592)--------------30 năm.
Tiếp theo cục diện Nam-Bắc triều, đất nước lại bước sang cục diện Vua Lê-Chúa Trịnh. Trịnh Tùng sau khi lật đổ nhà Mạc, không trao chính quyền cho Vua Lê, buộc vua Lê phong Vương, lập ra Phủ chúa-một bộ máy chính quyền ở Thăng Long, gọi là Ngũ phủ liêu và 6 phiên (tương đương 6 bộ bên triều đình) và nắm toàn bộ quyền lực của đất nước, biến vua Lê thành bù nhìn, hư vị. Thậm chí Phủ chúa còn kiểm soát cả chi tiêu của triều đình Vua Lê. Nhiều vua Lê và Hoàng tử nhà Lê tỏ ý chống đối đều bị giết hại.
Khi cục diện Nam-Bắc triều chưa kết thúc thì đã xuất hiện cục diện vua Lê- chúa Trịnh ở đàng ngoài (từ bắc sông Gianh Quảng Bình trở ra) và Chúa Nguyễn ở Đàng trong (nam sông Gianh trở vào mũi Cà Mâu) tạo nên cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn lâu dài gần 200 năm. Không kể những lần đánh nhau nhỏ, hai bên đã có 7 lần đánh nhau lớn, biến cả vùng Quảng Trị, Quảng bình, Hà Tĩnh, Nghệ An thành bãi chiến trương đầy xương máu.
Đây là thời kỳ tao loạn mà đất nước và kinh đô Thăng Long nhiều biến đổi đau thương.
Năm 1588, nhà Mạc huy động nhân dân 4 trấn vùng đồng bằng sông Hồng đắp thêm ba vòng thành ngoài bao lấy thành Đại La. Thành này từ Nhật Tân chạy theo hướng Tây Hồ, qua Bưởi, ô Cầu Giấy theo đường Giảng Võ- La Thành, qua ô Chợ Dừa, Kim Liên, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, qua ô Cầu Dền, ô Đống Mác đến đê sông Hồng. Sự tôn tạo này không phải là mở rộng kinh đô mà chỉ là xây chiến lũy, tăng thêm sự phòng thủ ở Thăng Long để chống lại Nam Triều. Năm 1592, khi nhà Mạc bị tiêu diệt, Trịnh Tùng đã cho phá bỏ toàn bộ những chiến lũy này.
Thời Vua Lê - chúa Trịnh, Thăng Long thành và Cấm thành không có gì thay đổi. Hai nơi này giành cho triều đình Vua Lê. Nét mới của Thăng Long là xuất hiện Phủ chúa Trịnh gồm những cung điệ̣n nguy nga và tường thành bao bọc ở vị trí phía nam tháp Báo Thiên, phía Tây hồ Hoàn Kiếm (hồ Tả Vọng và Hữu Vọng). Phủ chúa còn gọi là Cung Tây Long ở phía đông Hoàng thành Thăng Long. Một lái buôn nguời Anh có mặt ở Thăng Long năm 1680 đã viết: “ Phủ chúa ở Trung tâm thành phố Kẻ Chợ. Nó rất rộng rãi và có tường thành bao bọc chung quanh cao 4 m. Bên trong và bên ngoài có nhiều nhà nhỏ, thấp cho quân lính ở. Những cung điện bên trong xây cao hai tầng có nhiều cửa thoáng đảng. Các cửa đều đồ sộ nguy nga, tất cả đều bằng gỗ lim”[1]. Ngoài Phủ chúa có một loạt công trình kiến trúc bên bờ hồ Hoàn Kiếm kéo dài đến bờ sông Hồng. Ven hồ xây Nguyệt Đài, Thủy Tạ, cung Khánh Thụy, trên Gò Rùa có Tả Vọng Đình (ở vị trí Tháp Rùa ngày nay). Cạnh Phủ chúa có hồ Thủy Quân cảnh trí vô cùng xinh đẹp. Phía tây Phủ chúa có cổng Tuyên Vũ dùng để tiễn tướng mỗi lần cầm quân đi chinh phạt. Từ tư dinh Phủ Chúa đến cổng phía nam Hoàng thành có con đường lát đá.
Năm 1749, Trịnh Doanh (1729-1749) bắt nhân dân các huyện chung quanh kinh đô xây dựng thành Đại Đô bên ngoài thành Đại La. Đến thời Trịnh Sâm (1767-1782-) cho xây thêm chung quanh hồ Thủy Quân nhiều cung điện nguy nga tráng lệ, nuôi hàng trăm mỹ nữ để chơi bời.
Những năm 70-80 của thế kỷ XVIII đất nước nhiều biến động và kinh đô Thăng Long cũng nhiều biến cố thăng trầm. Do bị chế độ phong kiến đẩy đến bước đường cùng, từ thế kỷ XVI, XVII và đặc biệt là thế kỷ XVIII nông dân Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong liên tục khởi nghĩa chống lại chế độ phong kiến, mong giành quyền sống và ruộng đất. Tất cả những phong trào đó đều bị các tập đoàn phong kiến dìm trong biển máu nhưng nó kết tinh lại thành cuộc chiến tranh nông dân rộng lớn: Phong trào nông dân Tây Sơn.
Năm 1771 nông dân ở ấp Tây Sơn, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nổi dậy khởi nghĩa do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Trong quá trình khởi nghĩa, Nguyễn Huệ đã vươn thành lãnh tụ trụ cột, một tướng lĩnh bách chiến bách thắng, một thiên tài quân sự đã đưa quân Tây Sơn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ năm 1771 đến năm 1784, quân Tây Sơn chủ yếu do Nguyễn Huệ chỉ huy đã 6 lần tấn công vào miền đất Gia Định (toàn bộ vùng Nam Bộ từ Đồng Nai vào đến mũi Cà Mâu) mà trung tâm là thành Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) lật đổ chế độ của chúa Nguyễn sau hơn 200 năm tồn tại. Chỉ có Nguyễn Phúc Ánh, cháu của chúa Nguyễn chạy thoát. Cơ đồ chúa Nguyễn ở Đàng Trong do chúa Nguyễn Hoàng (1600-1613) sáng lập và là vị chúa đầu tiên, cai trị Đàng Trong được 200 năm với 9 đời chúa. Chúa cuối cùng là Nguyễn Phúc Ánh (1780-1802). Năm 1785 Nguyễn Huệ đã tiêu diệt 4 vạn thủy binh Xiêm La do Nguyễn Phúc Ánh cầu viện trên sông Mỹ Tho (đoạn Rạch Gầm-Xoài Muốt, Tiền Giang ngày nay), bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở phía Nam.
(Còn nữa)
CVL
--------------------
[1] .Dẫn theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Lịch sử Hà Nội. NXB Hà Nội. 2004. Tr.29.